Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần được thực hiện tương đối tự do hơn các loại hình doanh nghiệp khác, tuy nhiên cũng có những hạn chế chuyển nhượng nhất định
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Hiện nay Luật doanh nghiệp năm 2020 không có khái niệm chỉ rõ cổ phần là gì. Tuy nhiên, có thể căn cứ khoản 1 Điều 111 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 111. Công ty cổ phần
- Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Theo quy định trên, cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia từ vốn điều lệ doanh nghiệp, một cổ phần có thể có trị giá 10.000 đồng, 100.000 đồng hoặc số khác theo thỏa thuận của các cổ đông và được gọi là mệnh giá cổ phần. Những cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần gọi là các cổ đông.
Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp mà không làm thay đổi cấu trúc vốn điều lệ.
Tuy nhiên, cổ phần không được tự do chuyển nhượng trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần
- Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Theo quy định trên, việc chuyển nhượng sẽ bị hạn chế trong các trường hợp sau:
- Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông;
- Và các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần khác được quy định thêm trong Điều lệ doanh nghiệp.