Việc ủy quyền nên được lập thành văn bản và có thời hạn cũng như phạm vi rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của người ủy quyền và người được ủy quyền
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi định làm ủy quyền cho con tôi để bán nhà, nhưng hiện tại chưa được giá, tôi có thể ủy quyền cho đến khi nào bán được nhà hay không? hay chỉ được ủy quyền 01 năm?
Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác để thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền nên được lập thành văn bản và ghi rõ thời hạn ủy quyền, cũng như phạm vi công việc được ủy quyền. Theo đó:
- Người ủy quyền phải chịu trách nhiệm cho các hành vi do người được ủy quyền thực hiện theo sự ủy quyền;
- Người được ủy quyền chỉ được thực hiện công việc trong giới hạn như sau:
- Thực hiện hành vi được ủy quyền trong thời hạn ủy quyền;
- Và chỉ được thực hiện những hành vi đã được quy định rõ trong văn bản ủy quyền.
Căn cứ Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hạn ủy quyền được quy định như sau:
Điều 563. Thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Theo quy định trên, các bên có thể thỏa thuận về thời hạn ủy quyền. Có thể là:
- Một khoảng thời gian cụ thể. Ví dụ: 6 tháng; 1 năm, 10 năm từ khi ký văn bản ủy quyền;
- Hoặc một khoảng thời gian tương đối. Ví dụ: từ khi ký văn bản ủy quyền cho đến khi hoàn thành công việc được ủy quyền.
Trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn ủy quyền thì thời hạn ủy quyền mặc định là 1 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.