Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền khởi kiện để giành lại quyền trực tiếp nuôi con theo thủ tục luật định
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em đã ly hôn chồng nhưng trước đây do em đi làm xa nên không được quyền nuôi con. Nay em thấy chồng cũng không có việc làm, chỗ ở không ổn định nên em muốn đòi lại quyền nuôi con. Em phải làm gì và cung cấp những giấy tờ gì ạ?
-
Quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con
Trong vụ án ly hôn, tòa án giải quyết quyền nuôi con trên cơ sở nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi về mọi mặt của con.
Vì vậy, sau khi ly hôn, nếu quyền lợi của người con không được bảo đảm thì người không được trực tiếp nuôi con vẫn có quyền yêu cầu giành quyền nuôi con.
Cụ thể, căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Theo quy định trên, việc yêu cầu giành quyền nuôi con sau khi ly hôn cũng tương tự như ở giai đoạn đang khởi kiện vụ án ly hôn. Cụ thể:
- Cha mẹ có quyền thỏa thuận về việc thay đổi quyền nuôi con;
- Người trực tiếp nuôi con phải đủ các điều kiện trực tiếp trôm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con;
- Phải hỏi nguyện vọng của con từ 7 tuổi trở lên.
-
Cần làm gì khi muốn thay đổi quyền nuôi con?
Áp dụng Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vào câu hỏi cụ thể nêu trên, người mẹ muốn giành lại quyền nuôi con cần thực hiện:
- Khởi kiện tại tòa án nơi người chồng cũ đang cư trú;
- Cung cấp các tài liệu chứng minh về việc mình đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con;
- Cung cấp các tài liệu chứng mình người cha không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con. Ví dụ: quyết định cho thôi việc, giấy xác nhận đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, …
Lưu ý: Việc người cha không đi làm không đồng nghĩa với việc người này không có thu nhập. Do đó, người mẹ cần cung cấp thêm các tài liệu khác nếu có thể. Ngoài ra, người mẹ vẫn phải chứng minh được việc giao con cho mình trực tiếp nuôi dưỡng sẽ tốt hơn giao cho người cha.