Tử tuất là một chế độ bảo hiểm xã hội. Tiền tử tuất được chi trả khi người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời có phải di sản chia thừa kế không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Chồng tôi vừa mất, một mình tôi lo tang cho chồng tôi, còn anh chị em của chồng thì không quan tâm, chỉ đến thăm. Nay nhận được tiền tử tuất của chồng tôi cũng khá nhiều thì họ yêu cầu tôi phải chia thừa kế. Tôi có phải chia cho họ không? vì chi phí mai táng nhiều đều do tôi lo liệu.
Căn cứ Điều 80, 81 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người có tham gia bảo hiểm xã hội, khi mất thì người thân, người lo mai táng của họ sẽ được nhận các trợ cấp bao gồm:
- Trợ cấp mai táng: Dành cho người lo mai táng cho người chết;
- Trợ cấp tuất: Dành cho thân nhân của người chết.
Căn cứ Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 612. Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Theo quy định trên, di sản là tài sản của người chết để lại. Trong khi trợ cấp tuất là tiền do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho thân nhân của người chết.
Do vậy, về cơ bản, tiền trợ cấp tuất không phải là di sản thừa kế nên không được chia thừa kế.
Tuy nhiên, một trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp tuất sẽ được giải quyết theo các quy định về thừa kế như sau:
Trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế nếu người lao động chết mà không có những thân nhân sau đây:
- Con đẻ, con nuôi,
- Vợ hoặc chồng,
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi,
- Cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng,
- Hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.