Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình. Nhưng nếu đang ở nước ngoài thì ủy quyền được không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Công chứng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2018.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi và chồng đã ly hôn, nhưng chưa chia tài sản là nhà đất. Hiện tại tôi đã lấy chồng khác và ra nước ngoài sinh sống. Nay tôi quyết định sang tên nhà đất cho con tôi ở Việt Nam. Tôi có thể ủy quyền cho em gái tôi ở Việt Nam sang tên nhà đất được không?
Về nguyên tắc, cá nhân có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện một công việc nhất định, bao gồm cả việc giao kết và thực hiện giao dịch dân sự.
Do vậy, trường hợp cá nhân đang sinh sống ở nước ngoài cũng có thể ủy quyền cho người khác tại Việt Nam làm người đại diện thực hiện việc chuyển nhượng nhà đất. Việc ủy quyền thực hiện giao dịch về nhà đất phải được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực.
Căn cứ khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 như sau:
Điều 55. Công chứng hợp đồng ủy quyền
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Theo quy định trên, người ủy quyền và người được ủy quyền không nhất thiết phải cùng lúc ký tên trên văn bản ủy quyền tại cùng một cơ quan công chứng.
Do vậy:
- Người ủy quyền ở nước ngoài có thể đến Đại sứ quán, Lãnh sự quán của Việt Nam tại nước sở tại để ký, công chứng hợp đồng ủy quyền trước, sau đó gửi về Việt Nam.
- Người nhận ủy quyền ở Việt Nam tiếp tục đem hợp đồng ủy quyền đã được người ở nước ngoài ký trước đến một tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam để tiếp tục ký, công chứng hoàn tất hợp đồng ủy quyền.