Các bên tham gia hợp đồng thương mại phải tuân thủ các thỏa thuận đã giao kết và phải chịu các chế tài thương mại nếu vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Thương mại năm 2005;
- Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG).
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Công ty tôi ký hợp đồng phân phối hàng hóa, nhưng do nhà sản xuất không giao hàng, nên công ty tôi không có hàng để giao cho khách. Đây là lỗi do nhà sản xuất thì công ty tôi có được miễn bồi thường hay miễn chịu phạt hợp đồng không? nếu hợp đồng ký theo CISG thì sao?
-
Pháp luật Việt Nam có quy định được miễn trách nhiệm bởi nguyên nhân do lỗi của bên thứ ba hay không?
Hai trong nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự đó là:
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực;
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Do vậy, với hợp đồng thương mại, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Đồng thời phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ đó.
Thực tế, có những trường hợp việc vi phạm hợp đồng có nguyên nhân khách quan hoặc nguyên nhân từ một bên thứ 3 khác không tham gia giao kết hợp đồng.
Tùy vào nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng mà pháp luật cũng có những quy định miễn trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Cụ thể:
Căn cứ Điều 351 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Căn cứ Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.
Theo các quy định trên, có thể tổng hợp 4 trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm bao gồm:
- Có thỏa thuận miễn trách nhiệm trong hợp đồng;
- Có nguyên nhân do xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn thuộc về bên kia;
- Có nguyên nhân do phải thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước mà tại thời điểm giao kết hợp động các bên không thể biết được.
Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, việc vi phạm hợp đồng mà có nguyên nhân do lỗi của bên thứ 3 không được coi là căn cứ để miễn trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ.
-
Nếu áp dụng CISG thì được miễn trách nhiệm bởi nguyên nhân do lỗi của bên thứ ba hay không?
Công ước Viên của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG) cũng có quy định về việc miễn trách nhiệm tại Điều 79 như sau:
1. Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó.
2. Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp:
a) Ðược miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của khoản trên, và.
b) Nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của khoản trên được áp dụng cho họ.
3. Sự miễn trách được quy định tại điều này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó.
4. Bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải báo cáo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu thông báo không tới tay bên kia trong một thời hạn hợp lý từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được thông báo.
5. Các sự quy định của điều này không cản trở từng bên được sử dụng mọi quyền khác ngoài quyền được bồi thường thiệt hại chiếu theo Công ước này.
Theo quy định trên, CISG có quy định miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ có nguyên nhân từ bên thứ 3. Tuy nhiên điều kiện được miễn trách nhiệm không đơn giản, và cũng phải có xảy ra sự kiện trở ngại không thể lường trước. Cụ thể điều kiện được miễn trách nhiệm như sau:
- Bên vi phạm nghĩa vụ là do một trở ngại không thể kiểm soát được vào lúc ký kết hợp đồng hoặc không thể tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó;
- Bên thứ 3 cũng được miễn trách nhiệm do một trở ngại không thể kiểm soát được;
- Sự miễn trách nhiệm chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó.