Trong vụ án ly hôn, thông thường tòa án sẽ giải quyết 3 vấn đề bao gồm: quan hệ hôn nhân, quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung và phân chia tài sản
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Vợ chồng tôi không có con chung, đều muốn ly hôn, và đã nộp đơn ra tòa nhưng không thỏa thuận được phân chia tài sản. Chúng tôi muốn tòa án giải quyết thuận tình ly hôn đồng thời chia tài sản luôn, nhưng tòa nói không được. Có phải như vậy không?
-
Thế nào là thuận tình ly hôn
Trong một vụ án ly hôn, thông thường tòa án sẽ giải quyết 3 vấn đề bao gồm:
- Quan hệ hôn nhân;
- Quyền nuôi con chung và cấp dưỡng;
- Phân chia tài sản chung và nợ chung.
Căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đinh năm 2014 như sau:
Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Theo quy định trên, để tòa án công nhận thuận tình ly hôn thì vợ, chồng phải thỏa thuận được với nhau cho cả 3 vấn đề nêu trên.
-
Chỉ tranh chấp về tài sản thì tòa án có công nhận thuận tình ly hôn không?
Căn cứ khoản 4, 5 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn như sau:
Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
4. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.
Quy định trên phù hợp với quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cho thấy, điều kiện để được công nhận thuận tình ly hôn là vợ, chồng phải thỏa thuận được về 3 việc: (i) ly hôn, (ii) nuôi dưỡng con chung và (iii) phân chia tài sản.
Do vậy, nếu vợ, chồng còn tranh chấp về tài sản thì không được coi là thuận tình ly hôn. Tòa án sẽ đình chỉ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và sẽ chuyển sang giải quyết vụ án ly hôn.