Giải thể là thủ tục chấm dứt hoạt động doanh nghiệp. Trước khi giải thể, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục nhất định
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
- Thông tư số 39/2018/TT-BTC.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng là một doanh nghiệp FDI như sau: công ty tôi là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chuyên gia công hàng điện tử để xuất khẩu. Nay công ty tôi quyết định ngừng hoạt động được không và cần làm thủ tục gì với cơ quan thuế?
-
Doanh nghiệp FDI được giải thể khi nào?
Giải thể là thủ tục chấm dứt hẳn hoạt động doanh nghiệp. Giải thể vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của doanh nghiệp tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp được quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 207. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:
a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Theo quy định trên, doanh nghiệp FDI có thể chủ động giải thể khi hết thời hạn hoạt động hoặc khi các chủ sở hữu công ty ra quyết định giải thể.
-
Thực hiện nghĩa vụ thuế khi giải thể doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nêu trên, muốn được chủ động giải thể, doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Trong đó nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp có bao gồm các nghĩa vụ với Nhà nước như: nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm bắt buộc, các loại thuế còn nợ.
Căn cứ Điều 138 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC như sau:
Điều 138. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
1. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý thuế, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã và pháp luật về phá sản. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cụ thể như sau:
a) Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty hoặc hội đồng thành viên công ty; hội đồng quản trị hoặc tổ chức thanh lý doanh nghiệp, người quản lý có liên quan trong trường hợp Điều lệ công ty quy định chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp trước khi gửi đề nghị giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Hội đồng giải thể hợp tác xã chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của hợp tác xã trước khi gửi hồ sơ giải thể cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký;
c) Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản.
2. Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp người nộp thuế chấm dứt hoạt động không thực hiện thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật
a) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động không theo thủ tục giải thể, phá sản chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ doanh nghiệp tư nhân; hội đồng thành viên công ty hoặc chủ sở hữu công ty; hội đồng quản trị; quản trị của hợp tác xã; hoặc người quản lý có liên quan trong trường hợp Điều lệ công ty quy định chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ;
b) Hộ gia đình, cá nhân chấm dứt hoạt động kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa Vụ nộp thuế thì chủ hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ;
c) Tổ hợp tác chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì các thành viên tổ hợp tác liên đới chịu trách nhiệm nộp phần thuế nợ.
Theo quy định trên, khi giải thể, doanh nghiệp FDI thì cần thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Sau khi hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, doanh nghiệp sẽ được cơ quan thuế cấp giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Cụ thể, căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 140 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC như sau:
Điều 140. Xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế
1. Khi có nhu cầu xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế (bao gồm xác nhận số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản đã nộp khác và/hoặc số tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước), người nộp thuế hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản đề nghị xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo tiêu chí quy định tại mẫu số 05 Phụ lục IIa ban hành kèm Thông tư này gửi đến cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp nộp hồ sơ giấy, người nộp thuế hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo mẫu số 34/CVXNHT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn đề nghị xác nhận nợ thuế, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và thông báo cho người nộp thuế hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kết quả xử lý như sau:
a) Xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế;
b) Xác nhận chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế nêu rõ tờ khai chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế;
c) Hoàn thiện bổ sung hồ sơ để cơ quan hải quan có cơ sở xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.
3. Trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để giải thể, chấm dứt hoạt động, đóng mã số thuế, thì kể từ ngày Tổng cục Hải quan phát hành văn bản xác nhận không còn nợ thuế, doanh nghiệp sẽ không được đăng ký tờ khai hải quan.
Như vậy, trước khi giải thể, doanh nghiệp cần có văn bản gửi các cơ quan thuế để xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Các cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra, nếu doanh nghiệp chưa nộp các báo cáo thuế, còn nợ tiền thuế thì các cơ quan thuế sẽ có thông báo lý do để doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu. Doanh nghiệp cần nộp đầy đủ báo cáo thuế và nộp tiền thuế đầy đủ.
Sau khi đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp sẽ được các cơ quan thuế cấp giấy xác nhận để tiếp tục thực hiện thủ tục giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh.