Một số loại tranh chấp lao động phải trải qua thủ tục hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên có một số ngoại lệ mà người lao động có quyền khởi kiện ngay ra tòa án
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Khi xảy ra tranh chấp giữa các cá nhân, tổ chức, Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải với nhau. Thậm chí một số trường hợp đặc biệt, Nhà nước buộc các bên phải hòa giải trước khi muốn khởi kiện. Tuy nhiên, một số trường hợp nhất định, người lao động có quyền khởi kiện ngay ra tòa án mà không phải hòa giải.
-
Các tranh chấp lao động không cần hòa giải trước khi khởi kiện
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 các trường hợp tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động và người sử dụng lao động được quyền yêu cầu tòa án giải quyết ngay mà không cần hòa giải bao gồm:
- Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.
- Tranh về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Nếu thuộc các trường hợp trên, người lao động hoặc người sử dụng lao động có thể kiện ngay ra tòa án theo quy trình tố tụng dân sự.
-
Người lao động nộp đơn khởi kiện tại đâu?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động ở cấp sơ thẩm. Nếu người lao động hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết ở cấp sơ thẩm.
Về thẩm quyển theo lãnh thổ: căn cứ khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, có 2 trường hợp như sau, mà người khởi kiện cần lưu ý để nộp đơn khởi kiện đúng tòa án có thẩm quyền giải quyết:
- Nếu các bên có thỏa thuận: người khởi kiện có quyền nộp đơn tại tòa án tại địa phương nơi các bên thỏa thuận.
- Nếu các bên không có thỏa thuận: Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (đối với bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (đối với bị đơn là cơ quan, tổ chức).
Ví dụ: chị A người Việt Nam là người lao động (địa chỉ tại quận 12, TP.HCM) làm việc cho công ty B (trụ sở tại quận 1, TP.HCM). Khi xảy ra tranh chấp lao động, chị A quyết định nộp đơn khởi kiện. Tòa án có quyền giải quyết tranh chấp được xác định như sau:
- Nếu chị A và công ty B có thỏa thuận chọn Tòa án nhân dân quận 12 giải quyết tranh chấp thì chị A có quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận 12, TP.HCM.
- Nếu không có thỏa thuận, chị A có quyền nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM