Hợp đồng được soạn thảo logic, chặt chẽ với nội dung rõ ràng sẽ góp phần bảo đảm việc thực thi trên thực tế và dễ dàng giải quyết xung đột nếu có tranh chấp.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Thương mại năm 2005.
Các bên trong hợp đồng phải tôn trọng và tuân thủ thỏa thuận đã giao kết. Một hợp đồng được soạn thảo tốt là cơ sở để các bên yên tâm thực hiện hợp đồng, hạn chế xảy ra tranh chấp. Đồng thời nếu rủi ro có tranh chấp thì việc giải quyết cũng thuận lợi hơn.
Chúng tôi tổng hợp 5 vấn đề mà các bên nên quan tâm lưu ý khi đàm phán và soạn thảo hợp đồng trước khi chính thức đi đến ký kết.
-
Từ ngữ trong hợp đồng phải đơn nghĩa, dễ hiểu
Hợp đồng là một văn bản pháp lý, xác lập quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng. Hợp đồng không phải là một tác phẩm văn học mang nhiều phép ẩn dụ, so sánh.
Do đó, từ vựng và ngữ pháp trong hợp đồng cần rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để bất kỳ người nào đọc cũng đều hiểu một nghĩa, không hiểu đa nghĩa.
Ngoài ra, mỗi bên trong hợp đồng không nên tự cho rằng bên kia sẽ hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình nếu nội dung không được quy định rõ ràng.
Ví dụ, một trường học ký hợp đồng với đại lý sữa để cung cấp sữa uống cho học sinh thì không nên ghi chung là sữa nước mà cần chỉ rõ trong hợp đồng: sữa tươi tiệt trùng hay sữa tươi thanh trùng, nhãn hiệu, thể tích hộp sữa, hạn sử dụng tối thiểu, …
-
Nắm các quy định pháp luật chung của hợp đồng dự kiến ký kết
Có một số loại hợp đồng phổ biến như: hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng thuê, hợp đồng xây dựng, … Ngoài ra, tùy vào nhu cầu thực tế, các bên có thể kết hợp nội dung của các loại hợp đồng khác nhau để xây dựng một hợp đồng riêng sát với mục đích của giao dịch. Do đó, về nguyên tắc các bên được tự do thỏa thuận xây dựng hợp đồng.
Tuy nhiên, pháp luật dân sự cũng như pháp luật thương mại vẫn có những quy định chung mà các bên phải tuân thủ, cũng như các quy định mặc định được áp dụng nếu các bên không thỏa thuận trong hợp đồng.
Ví dụ:
- Trong hợp đồng thương mại, các bên phải tuân thủ mức phạt vi phạm hợp đồng;
- Nghĩa vụ thông báo khi hủy bỏ hợp đồng;
- Nghĩa vụ giao hàng của bên bán nếu không thỏa thuận về địa điểm nhận hàng.
-
Tuân thủ hình thức hợp đồng
Có một số trường hợp nhất định mà hợp đồng phải đảm bảo tuân thủ về hình thức thì mới có thể được công nhận có giá trị pháp lý.
Ví dụ:
- Một số loại hợp đồng phải được lập bằng văn bản và được công chứng/chứng thực.
- Một số giao dịch phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc không tuân thủ hình thức hợp đồng có thể dẫn đến hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu (không có giá trị pháp lý).
Theo quy định pháp luật dân sự, một giao dịch dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên, cũng như có căn cứ rõ ràng khi giải quyết tranh chấp thì tốt nhất hợp đồng nên được lập bằng văn bản.
-
Chủ thể tham gia hợp đồng
Chủ thể giao kết hợp đồng bao gồm cá nhân và tổ chức.
Cá nhân muốn ký kết hợp đồng phải bảo đảm có năng lực hành vi và đạt độ tuổi nhất định ký hợp đồng phù hợp với lứa tuổi.
Tổ chức muốn ký hợp đồng phải thông qua người đại diện hợp pháp của mình. Đó có thể là người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền. Cá nhân đại diện cho tổ chức phải có năng lực hành vi và việc đại diện phải hợp pháp.
Ngoài ra, có một số trường hợp đặc biệt như:
- Trong doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật thì cần xác định rõ thẩm quyền của mỗi người đại diện, bởi có khả năng một người đại diện chỉ có thẩm quyền ký một số loại hợp đồng nhất định. Do đó, trước khi ký hợp đồng, các bên cần công khai, minh bạch phạm vi thẩm quyền của người đại diện ký hợp đồng của mình.
- Với hợp đồng có giá trị cao thì doanh nghiệp chỉ được ký kết nếu nội dung hợp đồng đã được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên đồng ý thông qua. Do đó, trước khi ký hợp đồng các bên nên tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật doanh nghiệp, cũng như điều lệ, quy chế của doanh nghiệp để xác minh thẩm quyền ký hợp đồng.
-
Xác định vị thế của mỗi bên trong hợp đồng
Trước khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng, mỗi bên nên tự xác định vị thế của mình trong giao dịch làm ăn.
Vị thế có thể được xác định bằng các vấn đề như:
- Mục đích của mỗi bên khi ký hợp đồng là gì?
- Mức độ cấp thiết phải ký hợp đồng như thế nào?
- Có đối tác nào thay thế cho đối tác hiện tại hay không?
- Mức độ thiện chí của đối tác trong mối quan hệ
- Lợi thế và điểm yếu của mỗi bên trong hợp đồng?
Từ việc xác định được vị thế trong hợp đồng, mỗi bên có thể lên phương án đàm phán hợp đồng:
- Nội dung nào bắt buộc phải có?
- Nội dung nào không chấp nhận thương lượng?
- Nội dung nào có thể thương lượng? Phạm vi thương lượng?
- Rủi ro nào có thể chấp nhận khi ký hợp đồng?
Thực tế, trong hợp đồng có thể sẽ có một bên chịu nhiều bất lợi hơn so với bên còn lại (bởi vị thế yếu hơn), nhưng họ vẫn chấp nhận rủi ro để ký kết hợp đồng vì mục đích kinh tế. Mặc dù vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về hợp đồng cũng sẽ mang lại sự chuẩn bị tốt hơn và chủ động hơn trong quá trình thực hiện hợp đồng.