Cá nhân, tổ chức có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu không tự nguyện chấp hành.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020;
- Nghị định số 166/2013/NĐ-CP;
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Chào luật sư, tôi muốn hỏi khi bị xử phạt hành chính mà không đóng tiền phạt thì có bị cưỡng chế không vậy?
Khi cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thì phải thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, hoặc thi hành theo thời hạn được ghi trong quyết định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có thể bị cưỡng chế thi hành.
-
Các trường hợp bị áp dụng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính
Căn cứ khoản 43 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt nếu:
- Không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
- Không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính nếu không tự nguyện chấp hành mà:
- Đã quá thời hạn chấp hành
- hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- hoặc đã quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
-
Các biện pháp cưỡng chế
Căn cứ khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, có 4 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập;
- Khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
Biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập
Đối tượng áp dụng: Căn cứ Điều 8 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, 2 đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này bao gồm:
- Cá nhân bị cưỡng chế là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức.
- Cá nhân bị cưỡng chế đang được hưởng bảo hiểm xã hội.
Mức khấu trừ: Căn cứ Điều 11 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, việc khấu trừ có thể tiến hành nhiều lần với tỷ lệ như sau:
- Đối với tiền lương, bảo hiểm xã hội tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng.
- Đối với những khoản thu nhập khác, tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 50% tổng số thu nhập.
Biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản
Đối tượng áp dụng: Căn cứ Điều 13 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này là tổ chức, cá nhân có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá
Đối tượng áp dụng:
- Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
- Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
Mức kê biên: Căn cứ Điều 18 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền chỉ kê biên tài sản tương ứng với số tiền ghi trong quyết định xử phạt hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.
Những tài sản không được kê biên: Căn cứ Điều 19 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, các loại tài sản sẽ không bị kê biên bao gồm:
- Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú.
- Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.
- Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.
- Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.
- Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh.
- Tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.
Biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản
Căn cứ Điều 28 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP , biện pháp này được áp dụng trong 2 trường hợp sau:
- Không áp dụng được hoặc đã áp dụng 3 biện pháp cưỡng chế nêu trên nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền phạt, chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế.
- Có căn cứ xác định bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.