Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Do vậy, nếu xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Hiến pháp năm 2013;
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Kể cả việc khám xét cũng phải do luật định. Do vậy, việc xâm phạm chỗ ở của người khác trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
-
Thế nào là xâm phạm chỗ ở?
Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tại Điều 158, bao gồm các nhóm hành vi sau đây:
- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: Đó có thể là các hành vi lục soát, tìm kiếm người, đồ vật, tài sản,… trong phạm vi chỗ ở của người khác mà không có lệnh khám xét chỗ ở, ví dụ: nghi ngờ người khác lấy đồ của mình nên tự ý lục soát, tìm kiếm…; Hoặc có lệnh khám xét nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc thực hiện không đúng thủ tục khám xét.
- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: đó có thể là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác nhằm buộc người khác ra khỏi nơi ở của họ. Ví dụ: việc đuổi người khác ra khỏi nhà trong các vụ tranh chấp thừa kế, tranh chấp đòi lại nhà, …
- Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ: ví dụ: chủ nợ siết nhà con nợ, …
- Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác: vào chỗ ở của người khác trái pháp luật, chỗ ở có thể là nhà ở, phòng trọ, ký túc xá, tàu, thuyền, nơi ở là xe ô tô, …
-
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 2 khung hình phạt như sau:
Khung 1: phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu thực hiện một trong các hành vi sau:
- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
- Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp phápvào chỗ ở của họ;
- Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Khung 2: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu vụ việc có một trong các tình tiết sau:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hình phạt bổ sung: ngoài 2 khung hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.