Khi yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế mà có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nhưng không liên lạc được với người đó thì như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Án lệ số 06/2016/AL.
-
Quyền bình đẳng và được pháp luật bảo hộ
Một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Ngoài ra, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Vì vậy, trong các vụ án dân sự nói chung tòa án sẽ xác định tất cả các bên liên quan và triệu tập những người này tham gia vào quá trình giải quyết vụ án để lấy ý kiến và chứng cứ từ họ nhằm mục đích xét xử công bằng, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
-
Giải quyết trường hợp không có địa chỉ của đương sự
Đối với vụ án tranh chấp thừa kế, tòa án sẽ xác định tất cả những người thừa kế và triệu tập họ để tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên trường hợp một/một số người thừa kế đang ở nước ngoài, mà các đồng thừa kế khác không thể liên lạc được với người này thì nếu như trước đây vụ án có thể bị đình chỉ do nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của các đương sự khác, dẫn đến vụ việc bị kéo dài, và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn và những người thừa kế khác.
Để khắc phục điều này, ngày 04/6/2016, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành án lệ số 06/2016/AL giải quyết một vụ án thừa kế trong trường hợp này, hướng dẫn: tòa án vẫn giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt mà không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.
Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.