Phán quyết của trọng tài nước ngoài muốn được thi hành tại Việt Nam cần phải qua một số thủ tục nhất định để được công nhận giá trị pháp lý
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Để thi hành phán quyết trọng tài thương mại nước ngoài tại Việt Nam, người được thi hành án phải làm thủ tục công nhận giá trị pháp lý của phán quyết đó tại Việt Nam.
-
Phán quyết trọng tài nào được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 424 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, những phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như sau:
- Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
- Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Theo quy định trên, phán quyết trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Việt Nam và quốc gia nơi tổ chức trọng tài thương mại đã ban hành phán quyết phải cùng tham gia điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài;
- Hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại giữa hai quốc gia.
-
Người nào có quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 425 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
Điều 425. Quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài
1. Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.
2. Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
3. Đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
Theo quy định trên, người có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam là:
- Người được thi hành án;
- Hoặc người đại diện hợp pháp của người được thi hành án.
-
Thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam
Bước 1: Hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
- Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Điều 452 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Các giấy tờ, tài liệu kèm theo theo đơn yêu cầu quy định tại Điều 453 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bao gồm:
- Giấy tờ, tài liệu quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia nơi tổ chức trọng tài thương mại đã ban hành phán quyết cùng là thành viên.
- Nếu không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định thì phải có giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài giữa các bên.
Các giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu có thể gửi hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cho một trong hai cơ quan sau:
- Gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Hoặc gửi đến tòa án có thẩm quyền nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan.
Thời hạn nộp đơn: Căn cứ khoản 1 Điều 451 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người yêu cầu phải nộp đơn trong thời hạn là:
- 3 năm kể từ ngày phán quyết trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật;
- Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể nộp đơn trong thời hạn 3 năm thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan sẽ không được tính vào thời hạn nộp đơn.
Bước 3: Thụ lý hồ sơ
Căn cứ Điều 455 Bộ luật Tố tụng dân sự năm2015 tòa án có thẩm quyền sẽ thụ lý đơn yêu cầu trong thời hạn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày:
- Ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến;
- Hoặc ngày nhận được hồ sơ do người yêu cầu gửi đến.