Giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa các cá nhân có phải là hoạt động thương mại và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại không?
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại số 36/2005/QH11;
- Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12;
- Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP.
Trường hợp một cá nhân chuyển nhượng cổ phần cho một cá nhân khác, tuy nhiên có phát sinh tranh chấp vì nhiều lý do. Đó có thể là tranh chấp về giá, về thực hiện thanh toán, về tính hợp pháp của việc chuyển nhượng cổ phần … Điểm đáng lưu ý là trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Vậy cơ quan trọng tài thương mại có quyền giải quyết tranh chấp này hay không?
-
Hoạt động chuyển nhượng cổ phần là hoạt động thương mại
Luật Thương mại số 36/2005/QH11 định nghĩa về hoạt động thương mại tại Điều 3, Khoản 1 như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Như vậy, mặc dù các cá nhân tham gia giao dịch chuyển nhượng cổ phần không đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên xét riêng về hoạt đồng mua, bán cổ phần, đây được xem là hoạt động thương mại vì suy cho cùng là nhằm mục đích sinh lợi.
-
Trọng tài thương mại có quyền giải quyết tranh chấp về chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ Điều 2 Luật Trọng tài thương mại về thẩm quyền của trọng tài thương mại:
Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Căn cứ Điều 3, Khoản 3 Luật Trọng tài thương mại, các bên trong tranh chấp thương mại có thể là:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
3. Các bên tranh chấp là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn.
Căn cứ Điều 2, Khoản 1, 3 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại:
Điều 2. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Tòa án theo quy định Luật TTTM
1. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quy định tại Điều 2 Luật TTTM nếu các bên có thoả thuận trọng tài quy định tại Điều 5 và Điều 16 Luật TTTM, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
3. Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:
a) Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
b) Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM;
c) Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết này
Như đã trình bày ở trên, mặc dù các cá nhân tham gia giao dịch chuyển nhượng cổ phần không đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cá nhân vẫn có thể là một bên trong tranh chấp tại trọng tài thương mại và Điều 2 Luật Trọng tài thương mại không đặt vấn đề đăng ký kinh doanh. Đồng thời mua bán cổ phần là hoạt động thương mại. Vì vậy, nếu các bên có thoả thuận trọng tài có hiệu lực, thoả thuận trọng tài có thể thực hiện được và không được thuộc trường hợp tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP thì trọng tài thương mại có quyền giải quyết tranh chấp nêu trên.