Một đối tượng bảo hiểm (tài sản, trách nhiệm dân sự) có thể tham gia bảo hiểm đồng thời tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm được không?
Căn cứ pháp lý:
- Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10.
Theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm có thể là:
- Tuổi thọ, tính mạng, sức khoẻ và tai nạn con người;
- Tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản;
- Trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế có thể xảy ra trường hợp một đối tượng bảo hiểm được khách hàng mua bảo hiểm tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Ví dụ, trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm đối với thiệt hại của bên thứ ba được bảo hiểm theo nhiều hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự tại các doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau.
Khi xảy ra sự kiện thuộc phạm vi bảo hiểm, việc bồi thường sẽ được giải quyết theo nguyên tắc tại Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau:
Điều 44. Hợp đồng bảo hiểm trùng
1. Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.
2. Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện chia sẻ trách nhiệm bồi thường với nhau trên nguyên tắc tổng số tiền bồi thường của tất cả doanh nghiệp sẽ không lớn hơn giá trị thiệt hại. Đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì tổng số tiền bồi thường không lớn hơn số tiền mà người được bảo hiểm phải trả cho bên thứ ba.
Ví dụ: Một chủ xe cơ giới mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện tại 2 doanh nghiệp bảo hiểm như sau:
- Hợp đồng số 1: mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là: 200.000.000 đồng/1 tai nạn
- Hợp đồng số 2: mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là: 300.000.000 đồng/1 tai nạn
Chủ xe cơ giới gây ra tai nạn, và thiệt hại về tài sản mà chủ xe phải bồi thường cho bên thứ ba là 80.000.000 đồng. Nếu các hợp đồng bảo hiểm trên không có quy định về chia sẻ trách nhiệm bồi thường thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chia sẻ số tiền bồi thường như sau:
- Doanh nghiệp cung cấp hợp đồng số 1 sẽ bồi thường: 80.000.000 x [200.000.000/(200.000.000 + 300.000.000)] = 32.000.000 đồng
- Doanh nghiệp cung cấp hợp đồng số 2 sẽ bồi thường: 80.000.000 x [300.000.000/(200.000.000 + 300.000.000)] = 48.000.000 đồng