Các hành vi xâm hại đến quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức khác có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019, năm 2022;
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Nghị định số 28/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Cho em hỏi một số người quay các đoạn phim “Nhà bà Nữ” rồi đưa lên Tiktok rồi bình luận thì có vi phạm gì không và có bị phạt gì không ạ?
Tác phẩm điện ảnh là một sản phẩm trí tuệ. Nhà sản xuất và các diễn viên, các nhân viên khác góp phần tạo ra bộ phim như người soạn âm thanh, người hóa trang, chỉnh ánh sáng, người quay phim, … đều được bảo vệ quyền tác giả theo các quy định của phát luật sở hữu trí tuệ.
-
Hành vi quay lén tác phẩm điện ảnh là trái pháp luật
Căn cứ điểm e, khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019, năm 2022, tác phẩm điện ảnh được bảo hộ quyền tác giả
Do vậy, việc phân phối, phát sóng, truyền đạt tác phẩm điện ảnh đến công chúng là quyền tài sản của cá nhân, tổ chức sở hữu quyền tài sản của tác phẩm.
Các cá nhân khác không có quyền tài sản đối với tác phẩm điện ảnh mà có hành vi quay cho người khác xem lại hoặc phát tán trên các trang mạng xã hội mà không có sự cho phép của chủ sở hữu thì đều là hành vi trái pháp luật.
-
Xử phạt vi phạm hành chính
Người quay lén phim ảnh và phát tán trên các mạng xã hội như Youtube, Tiktok có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP như sau:
Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt nêu trên.
-
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi quay lén tác phẩm điện ảnh và phát tán trên mạng trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm thực hiện nhiều lần, có tổ chức hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức hình phạt cho cá nhân xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có thể lên đến 5 năm tù; Hoặc nếu pháp nhân thương mại vi phạm thì có thể bị cấm kinh doanh như sau:
Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
- Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội 02 lần trở lên;
- c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
- đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
- a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
- b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
- c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.