Quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý của họ nên sẽ bị xử lý hình sự.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Thưa Luật sư TLT, tôi có tình huống cần được hỗ trợ là nếu một người 20 tuổi yêu và có quan hệ tình dục với người chưa đủ 16 tuổi. Nhưng sau đó hai gia đình có tổ chức đám cưới và đến nay hai người vẫn sống với nhau thì có bị xử lý hình sự không ạ?
Căn cứ Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
- Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- a) Phạm tội 02 lần trở lên;
- b) Đối với 02 người trở lên;
- c) Có tính chất loạn luân;
- d) Làm nạn nhân có thai;
- đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định trên, người nào từ đủ 18 tuổi trở lên mà quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Căn cứ Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
- Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Khi có quyết định đại xá.
- Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
- Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo quy định trên, nếu người A (20 tuổi) có quan hệ tình dục với B tại thời điểm B dưới 16 tuổi thì việc sau này A và B có tổ chức đám cưới và chung sống hạnh phúc với nhau cũng không phải là một yếu tố được miễn trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, tùy theo tính chất, nguyên nhân và mức độ phạm tội mà A vẫn sẽ bị xử lý hình sự. Mặc dù vậy, với quá trình chung sống hạnh phúc thì B và gia đình của B có thể làm đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho A để tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho A.