Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;
- Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
-
Ý nghĩa của đặt cọc
Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong các hợp đồng dân sự, thương mại hiện nay, điều khoản đặt cọc được sử dụng rất phổ biến, kèm theo đó là các điều khoản phạt tiền cọc khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.
Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định về biện pháp đặt cọc tại Điều 328 như sau:
Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo quy định trên, có thể thấy, đặt cọc có 2 mục đích:
- Để bảo đảm giao kết hợp đồng;
- Để bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Đi kèm với biện pháp đặt cọc là chế tài đối với hành vi từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng:
- Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.
Cần lưu ý: Nếu các bên không có thỏa thuận khác về chế tài hoặc ngay cả khi không có điều khoản chế tài phạt cọc thì biện pháp chế tài nêu trên mặc nhiên được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận thực hiện biện pháp đặt cọc.
-
Đặt cọc hay trả tiền trước
Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đi kèm với nó là biện pháp chế tài.
Trả tiền trước không phải là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do đó mặc nhiên sẽ không có chế tài nếu các bên không có quy định biện pháp chế tài cho hành vi vi phạm nghĩa vụ trả tiền trước. Đây là điểm khác biệt chính giữa đặt cọc và trả tiền trước, có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi tài sản của các bên trong hợp đồng.
Giả sử các bên không thỏa thuận khác về chế tài hoặc nếu các bên không có điều khoản chế tài phạt cọc thì biện pháp đặt cọc mặc nhiên vẫn được gắn liền với chế tài theo quy định tại Điều 328 nêu trên, nên nhiều trường hợp số tiền cọc lớn, khi xảy ra vi phạm hợp đồng dẫn đến phát sinh nghĩa vụ phạt cọc thì thiệt hại sẽ rất đáng kể.
Theo kinh nghiệm tham gia giải quyết nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng, chúng tôi nhận thấy có trường hợp các bên không quy định rõ khoản tiền đã thanh toán có phải là tiền đặt cọc hay không (các bên thường quy định là khoản tiền thanh toán đợt 1). Đối với những trường hợp này, thông thường tòa án sẽ cho rằng thỏa thuận đặt cọc không được xác lập, dẫn đến yêu cầu phạt cọc không được chấp nhận.
Hiện nay, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) đã quy định rõ, nếu một khoản thanh toán mà không được quy định rõ là tiền đặt cọc hay trả tiền trước thì sẽ được coi là khoản tiền thanh toán trước như sau:
Điều 37. Trường hợp không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước
Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.