Nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản nhưng từ chối trả lại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội chiếm giữ trái phép tài sản”
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Khi nhận được khoản tiền được chuyển nhầm vào tài khoản của mình hoặc do người khác chuyển tiền thừa vào tài khoản. Điều nên làm là phối hợp với ngân hàng, người đã chuyển nhầm để hoàn trả lại khoản tiền đó. Về mặt đạo lý, tài sản không phải của mình thì nên trả lại cho chủ sở hữu, về mặt pháp luật người nhận tiền cũng không được phép chiếm giữ tài sản không phải của mình và cũng phải trả lại cho chủ sở hữu.
Trường hợp người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm mà không trả lại chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội chiếm giữ trái phép tài sản”. Dưới đây là một vụ án mà luật sư của chúng tôi đã tham gia.
Năm 2016, Công ty A ký hợp đồng mua hàng hóa với Công ty J trị giá hơn 500.000.000 đồng. Tháng 7/2016, Công ty A nhận được email đề nghị thanh toán tiền hàng vào tài khoản của Công ty MS do bị cáo N làm Giám đốc.
Tháng 8/2016, Công ty A đã thanh toán tiền hàng vào tài khoản Công ty MS theo như email đề nghị và thông báo cho Công ty J biết. Sau khi kiểm tra biết không nhận được tiền, Công ty J đã thông báo và cho biết không có việc gửi email đề nghị Công ty A chuyển vào tài khoản của Công ty MS.
Vì vậy, Công ty A ngay lập tức thông báo cho ngân hàng có mở tài khoản của Công ty MS để yêu cầu trả lại số tiền trên. Ngân hàng đã thông báo cho bị cáo N biết về việc chuyển nhầm tiền nhưng N không đồng ý hoàn trả. Do đó, Công ty A đã tố giác N có hành vi trái pháp luật.
Năm 2019, tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo N 4 năm tù về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.