Người phạm tội có thể bị kê biên tài sản khi phạm một số tội nhất định để bảo đảm việc thi hành án về hình sự cũng như thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Anh chị cho em hỏi, lăng mạ người khác trên mạng rồi công an đang khởi tố vụ án sắp ra xét xử thì có bị kê biên tài sản không ạ?
-
Trường hợp nào bị kê biên tài sản?
Căn cứ khoản 1 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 128. Kê biên tài sản
- Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
Theo quy định trên: Trong một số loại tội phạm, bị can, bị cáo có thể bị kê biên tài sản nhằm mục đích để:
- Thi hành hình phạt tiền;
- Tịch thu tài sản;
- Bồi thường thiệt hại.
Do vậy, với những tội danh có quy định hình phạt tiền hoặc vụ án có tài sản do phạm tội mà có hoặc bị hại bị thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì bị can, bị cáo có thể bị kê biên tài sản.
-
Kê biên toàn bộ tài sản được không?
Căn cứ khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 128. Kê biên tài sản
3. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Theo quy định trên: Bị can, bị cáo không bị kê biên toàn bộ tài sản, mà chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.
-
Khi nào thì chấm dứt kê biên tài sản?
Căn cứ Điều 130 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 130. Hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
- Biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:
- Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
- Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
- Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội;
- Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết.
Đối với biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định.
Theo quy định trên: Bị can, bị cáo sẽ được gỡ bỏ kê biên tài sản trong 4 trường hợp: Bị can, bị cáo được đình chỉ điều tra; Vụ án bị đình chỉ; Bị cáo được tuyên không có tội; Bị cáo có tội nhưng không bị phạt tiền, không bị tịch thu tài sản, không phải bồi thường thiệt hại.