Cá nhân có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ, nếu vượt đèn đỏ gây tai nạn thì phải bồi thường thiệt hại
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Một tài xế grab (xe máy) vượt đèn đỏ gây ra tai nạn giao thông làm cho người khác bị thương nặng, bản thân tài xế grab bị chết. Trường hợp này thì ai phải bồi thường cho người bị hại đang bị thương nặng?
-
Nghĩa vụ của người tham gia giao thông đường bộ
Bất kỳ ai khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông đường bộ. Bao gồm một số quy tắc chung như sau:
- Phải đi bên phải theo chiều đi của mình;
- Đi đúng làn đường, phần đường quy định;
- Phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Ngoài ra, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành các chỉ dẫn báo hiệu đường bộ như sau:
Điều 11. Chấp hành báo hiệu đường bộ
1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Theo quy định trên, vượt đèn đỏ là hành vi không chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Đây là hành vi trái pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
-
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây ra tai nạn
Về nguyên tắc, người vi phạm các quy tắc an toàn giao thông gây ra tai nạn thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn. Theo đó, người gây ra tai nạn phải bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp thời cho các thiệt hại thực tế. Cụ thể:
Nếu người bị nạn tổn hại về sức khỏe: thì người gây tai nạn phải bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Nếu người bị nạn chết: thì người gây tai nạn phải bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
-
Người gây ra tai nạn đã chết thì ai bồi thường?
Theo các quy định trên, người gây ra tai nạn phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn. Nhưng nếu chính người gây ra tai nạn đã chết thì trách nhiệm bồi thường của người này sẽ được giới hạn trong phạm vi tài sản mà người này để lại.
Cụ thể, căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Như vậy, do người vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông đã chết nên những người thừa kế của người này có trách nhiệm sử dụng di sản của người đã chết để lại để bồi thường thiệt hại cho người bị nạn.