Đối với loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự, người nào sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường: người tham gia bảo hiểm hay nạn nhân bị thiệt hại khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10;
- Nghị định số 103/2008/NĐ-CP;
- Thông tư số 22/2016/TT-BTC.
-
Bên thứ ba
Trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, tổ chức, cá nhân có sức khỏe, tính mạng và tài sản bị thiệt hại trực tiếp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm được gọi là bên thứ ba.
Khái niệm “bên thứ ba” cũng được quy định rõ trong Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại Khoản 5 Điều 3:
“Bên thứ ba là người bị thiệt hại về thân thể, tính mạng, tài sản do xe cơ giới gây ra, trừ những người sau:
a. Lái xe, phụ xe trên chính chiếc xe đó;
b. Người trên xe và hành khách trên chính chiếc xe đó;
c. Chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho tổ chức, cá nhân khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó”
-
Người được bảo hiểm
Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm, người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có trách nhiệm dân sự được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.
Căn cứ Điều 52 Luật Kinh doanh bảo hiểm:
“Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật”
Như vậy:
Người được bảo hiểm (thông thường đó chính là người giao kết hợp đồng bảo hiểm/người mua bảo hiểm) phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các thiệt hại của bên thứ ba khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
-
Người nào được bồi thường
Căn cứ Khoản 1 Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm:
“Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm”
Do đó, khi xảy ra tai nạn (sự kiện được bảo hiểm):
- Người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba theo quy định về pháp luật dân sự khi bên thứ ba có yêu cầu.
- Từ đó, trên cơ sở trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm đối với bên thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
Ngoài quy định chung như trên, cũng có trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho bên thứ ba nếu trong hợp đồng bảo hiểm có quy định, hoặc theo quy định pháp luật.
Ví dụ: Theo Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 22/2016/TT-BTC: doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại trong trường hợp chủ xe cơ giới bị chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Tình huống 1: Một xe ô tô có mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Khi tham gia giao thông, tài xế xe ô tô thiếu quan sát gây tai nạn cho một người đi xe máy. Nếu vụ việc thuộc phạm vi bảo hiểm thì chủ xe ô tô sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường một phần hoặc toàn bộ số tiền mà họ phải bồi thường cho người đi xe máy.
Tình huống 2: Một cơ sở cung cấp gas mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho sản phẩm bình gas của mình. Khi xảy ra vụ nổ bình gas gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người sử dụng. Nếu vụ việc thuộc phạm vi bảo hiểm thì cơ sở cung cấp gas này sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường một phần hoặc toàn bộ số tiền mà họ phải bồi thường cho người sử dụng.