Vợ chồng nếu không đồng thuận được mọi vấn đề trong việc ly hôn thì một trong hai bên có quyền nộp đơn yêu cầu ly hôn đơn phương tại tòa án.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Nghị quyết số 01/2017/NQ-CP.
Để được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn một cách nhanh chóng và đúng quy định của pháp luật, người có yêu cầu ly hôn cần có sự chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và nộp tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
-
Hồ sơ, tài liệu cần chuẩn bị
Người yêu cầu ly hôn cần chuẩn bị đơn khởi kiện có đầy đủ các nội dung đã được ban hành theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-CP.
Ngoài ra, người làm đơn cần chuẩn bị các tài liệu sau để nộp kèm theo đơn khởi kiện:
- Bản chính giấy chứng nhận đăng kí kết hôn;
- Bản sao hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng (có chứng thực);
- Bản sao chứng minh thư nhân dân/căn cước/hộ chiếu của người làm đơn (có chứng thực);
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…(có chứng thực);
- Bản sao giấy khai sinh của con.
-
Nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn ở đâu?
Người có yêu cầu ly hôn dựa trên nơi cư trú, nơi làm việc cũng như yếu tố nước ngoài của bị đơn để quyết định nộp đơn khởi kiện ly hôn tại địa phương nào và cấp tòa nào.
Căn cứ Điều 28, 35, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
- Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
- Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
- Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn…
Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
- Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;…
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
- Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
- Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
- Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Theo các quy định nêu trên, trường hợp không có đương sự ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Trường hợp có đương sự ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú.
Tuy nhiên, người có đơn ly hôn có thể nộp đơn tại nơi cư trú của mình nếu thuộc trường hợp được quy định tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu
- Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
Như vậy, chồng hoặc vợ có yêu cầu ly hôn đơn phương có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp có thẩm quyền nơi bị đơn đang cư trú, đang làm việc để giải quyết. Nếu không biết nơi cư trú, nơi làm việc của bị đơn thì có thể nộp theo nơi cư trú, nơi làm việc cuối cùng của họ.
Việc chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết và nộp đơn khởi kiện đúng tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ giúp tiết kiệm thời gian giải quyết vụ án ly hôn; hạn chế việc phải bổ sung tài liệu hoặc bị trả đơn khi nộp đơn yêu cầu ly hôn tại tòa án không có thẩm quyền.