Khi ly hôn tòa án sẽ giải quyết phân chia tài sản và nghĩa vụ nợ (nếu có) theo yêu cầu của vợ, chồng dựa trên các nguyên tắc chung của pháp luật.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Luật sư TLT cho tôi hỏi, vợ chồng nếu khi ly hôn mà vẫn đang có khoản nợ ngân hàng thì nợ được chia như thế nào ạ? Nợ này là do chồng tôi vay để làm ăn riêng.
Trong vụ án ly hôn, tòa án thường giải quyết các vấn đề sau đây:
- Quan hệ hôn nhân;
- Quyền trực tiếp nuôi con chung và cấp dưỡng;
- Phân chia tài sản chung và nợ chung.
Nếu vợ, chồng khi ly hôn mà có yêu cầu chia khoản nợ thì về nguyên tắc phải xác định khoản nợ đó là nợ chung hay nợ riêng.
Căn cứ Điều 37, Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng
Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
Theo các quy định trên, nếu khoản nợ do vợ chồng cùng xác lập, hoặc do một người xác lập nhưng vì mục đích phục vụ nhu cầu chung của gia đình thì khoản nợ đó được coi là nợ chung của vợ, chồng. Theo đó, vợ và chồng đều có nghĩa vụ trả nợ.
Trường hợp vợ, chồng đạt được thỏa thuận với chủ nợ về người nào có nghĩa vụ trả nợ, hoặc mỗi người sẽ trả bao nhiêu, … thì việc trả nợ sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đó. Nếu không có thỏa thuận thì tòa án sẽ giải quyết phân chia nợ chung theo quy định pháp luật, theo đó cả vợ và chồng đều phải liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản nợ chung, mỗi người sẽ phải trả 50% khoản nợ.
Trong câu hỏi cụ thể nêu trên, khoản nợ vay ngân hàng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân nên về nguyên tắc được coi là nợ chung của vợ, chồng. Trừ trường hợp người chồng sử dụng tiền vay vì mục đích cá nhân mà không để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì đó là khoản nợ riêng của người chồng.