Bên bị vi phạm hợp đồng có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng nếu có thỏa thuận. Bên bị chậm thanh toán có quyền yêu cầu bên vi phạm phải trả lãi trên số tiền chậm trả
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005.
Trong pháp luật dân sự, có rất nhiều loại thỏa thuận, hợp đồng được các cá nhân và tổ chức giao kết. Nhưng chỉ những giao dịch để thực hiện các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại mới được coi là giao dịch thương mại và được điều chỉnh bởi Luật Thương mại năm 2005.
Sau khi đã giao kết hợp đồng thương mại, các bên phải tôn trọng và tuân thủ các thỏa thuận đã giao kết. Nếu bên nào vi phạm thì phải chịu chế tài. Hai loại chế tài phổ biến là phạt vi phạm hợp đồng và trả tiền lãi do chậm thanh toán.
-
Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại
Theo quy định pháp luât, phạt vi phạm được áp dụng khi các bên trong hợp đồng thương mại có thỏa thuận về việc phạt vi phạm.
Khi đó, nếu có hành vi vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng. Với mức phạt được quy định tại Điều 301 Luật Thương mại như sau:
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Theo quy định trên, các bên có thể thỏa thuận về mức phạt cho từng hành vi vi phạm. Nhưng mức phạt không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
Nếu có nhiều hành vi vi phạm thì có thể áp dụng phạt vi phạm cho tất cả các hành vi vi phạm (nếu có thỏa thuận phạt), nhưng cần lưu ý đảm bảo trong giới hạn 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm nêu trên.
Ngoài ra, cần lưu ý bên vi phạm hợp đồng có thể được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình nếu nguyên nhân do các sự kiện sau đây được quy định tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005:
1. Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
2. Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
3. Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
4. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
-
Mức lãi suất chậm thanh toán tiền
Khi có hành vi chậm thanh toán tiền theo hợp đồng thương mại thì bên bị chậm thanh toán tiền có quyền yêu cầu bên chậm thanh toán phải trả thêm tiền lãi tính trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Cụ thể Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau:
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo quy định trên, mặc dù các bên không có thỏa thuận về trả tiền lãi chậm thanh toán nhưng bên bị chậm thanh toán vẫn có quyền yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán.
Mức lãi suất chậm thanh toán sẽ do các bên thỏa thuận hoặc bằng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán.