Trong quá trình điều hành doanh nghiệp có một số khái niệm về vốn như: vốn điều lệ, vốn pháp định, vốn chủ sở hữu….
Trong bài viết này, chúng tôi nêu một số vấn đề cơ bản và quan trọng nhất về vốn điều lệ để quý khách hàng hiểu rõ hơn.
Căn cứ pháp lý:
- Luật doanh nghiệp năm 2014.
Căn cứ Khoản 29 Điều 4 Luật doanh nghiệp, vốn điều lệ là:
- Tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Như vậy, có thể coi vốn điều là nguồn vốn hoạt động ban đầu của doanh nghiệp, do các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đóng góp.
Vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp của mỗi thành viên, mỗi cổ đông, quyền và nghĩa vụ cùa họ trong công ty như phân chia lợi nhuận, số phiếu biểu quyết, quyền đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát…
Vốn điều lệ có thể được góp bằng nhiều loại tài sản khác nhau không nhất thiết phải bằng tiền với nguyên tắc tài sản đó có thể định giá được. Cụ thể, tài sản góp vốn có thể là: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Trong trường hợp công ty đã đăng ký vốn điều lệ khi đăng ký kinh doanh, nhưng khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thực tế, có trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, cổ đông công ty cổ phần chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.
Comments 1