Hành hạ người khác là tội phạm thường xảy ra, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và danh dự của người yếu thế. Do đó, bị dư luận đặc biệt lên án
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ án hành hạ người khác tại một số cơ sở giáo dục mầm non, hoặc trong một vài trường hợp trẻ em sống cùng cha dượng, mẹ kế bị hành hạ. Các vụ án này được dư luận đặc biệt lên án và quan tâm theo dõi. Vậy mức hình phạt đối với tội phạm hành hạ người khác được quy định như thế nào?
-
Thế nào là hành hạ người khác
Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình. Cụ thể:
- Đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác như: đánh đập, bỏ đói, … Các hành vi này lặp lại thường xuyên và diễn ra trong thời gian dài.
- Làm nhục là làm cho nạn nhân bị tổn thương tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, xuyên tạc danh dự, uy tín như: chửi rủa, xỉ vả, tung tin đồn thất thiệt, … khiến danh dự, uy tín người khác bị ảnh hưởng.
Nạn nhân của Tội hành hạ người khác là những người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội. Ví dụ: quan hệ lệ thuộc giữa nhân viên với lãnh đạo, giữa bác sĩ với bệnh nhân, giữa học trò với giáo viên, …
Cần lưu ý: Nếu giữa người phạm tội và nạn nhân có mối quan hệ hôn nhân, gia đình đối thì không cấu thành Tội hành hạ người khác mà hành vi này sẽ cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự.
-
Mức phạt hình sự đối với tội hành hạ người khác
Người phạm tội hành hạ người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với 2 khung hình phạt như sau:
Khung 1: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;
Khung 2: phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu thuộc các trường hợp sau:
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
- Đối với 02 người trở lên.
Khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân của người phạm tội để quyết định mức hình phạt cụ thể. Đối với trường hợp có đồng phạm, tòa án sẽ xem xét vai trò của từng người để cá thể hóa trách nhiệm hình sự.