Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả không kém so với hệ thống tòa án
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
- Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Các bên trong quan hệ thương mại có thể thỏa thuận bằng văn bản để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thay cho hệ thống tòa án. Vậy phán quyết của trọng tài thương mại có giá trị thi hành như thế nào?
-
Phán quyết của trọng tài thương mại có được bảo đảm thi hành án hay không?
Căn cứ khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, phán quyết trọng tài là chung thẩm. Do vậy, các bên trong vụ tranh chấp không có quyền kháng cáo phán quyết trọng tài.
Căn cứ Điều 67 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định quyết định của trọng tài thương mại được thi hành theo Luật Thi hành án dân sự.
Như vậy, theo các quy định trên, phán quyết của trọng tài thương mại có giá trị pháp lý, không bị kháng cáo và được đảm bảo thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Tuy nhiên cần lưu ý: Căn cứ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, phán quyết của trọng tài thương mại có thể bị tòa án tuyên bố hủy nếu:
- Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
- Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
- Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
- Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
- Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
-
Phán quyết của trọng tài thương mại được thi hành như thế nào?
Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài.
Nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, thì bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 35 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, quy định Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.