Người đăng ký thành lập doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai hồ sơ đăng ký trung thực, và phải chịu trách nhiệm với các thông tin đã kê khai
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP;
- Nghị định số 122/2021/NĐ-CP.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo.
Nếu phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì doanh nghiệp phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
Nếu hồ sơ kê khai là giả mạo thì doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
-
Xử lý khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị giả mạo
Căn cứ Điều 74 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, nếu có căn cứ xác định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị giả mạo, cá nhân, tổ chức phát hiện có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, họ cần cung cấp một trong các tài liệu sau đây để xác định có sự giả mạo bao gồm:
- Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản trả lời văn bản do cơ quan đó cấp bị giả mạo;
- Bản sao văn bản trả lời của cơ quan công an về việc nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng có thể gửi văn bản đến cơ quan nêu trên để xác minh nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nhằm có cơ sở kết luận nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi đã có đủ căn cứ kết luận nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện các bước như sau:
- Nếu hồ sơ là đăng ký thành lập mới doanh nghiệp: cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Nếu hồ sơ là đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp và ra quyết định hủy bỏ những thay đổi trong nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở các thông tin giả mạo và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất trước đó. cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp làm lại hồ sơ để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký, thông báo thay đổi sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới;
- Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo về hành vi kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
-
Xử phạt vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức có hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP như sau:
Điều 43. Vi phạm về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Cần lưu ý: Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm. Nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức. Cụ thể:
- Tổ chức vi phạm: phạt tiền 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng;
- Cá nhân vi phạm: phạt tiền 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng.