Doanh nghiệp phải chi trả tiền bồi thường bảo hiểm cho khách hàng trong thời hạn theo thỏa thuận hoặc theo luật định
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
- Nghị định số 98/2013/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi có mua bảo hiểm nhân thọ của công ty bảo hiểm, trong đó có quyền lợi bảo hiểm cho con tôi… Từ hồi trước tết chẳng may con tôi bị viêm não, nhưng đến giờ công ty bảo hiểm vẫn không chi trả bồi thường. Tôi muốn hỏi công ty bảo hiểm bồi thường chậm như vậy có bị phạt gì không?
Theo quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm, việc được chi trả bồi thường hay không phụ thuộc vào sự kiện rủi ro xảy ra có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, cũng nhưng các điều khoản, điều kiện của hợp đồng bảo hiểm.
Mặc dù vậy, cho dù chấp nhận chi trả bồi thường hay từ chối thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải có trả lời chính thức đến khách hàng.
-
Thời hạn doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả bồi thường
Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 như sau:
Điều 31. Thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm
- Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Theo quy định trên, thời hạn để doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường như sau:
- Theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
- Nếu không có thỏa thuận thì phải chi trả trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của khách hàng.
Cần lưu ý: Thời hạn nêu trên được tính từ khi khách hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ. Vì vậy, việc khách hàng được nhận tiền bồi thường sớm hay muộn còn phụ thuộc vào tiến độ cung cấp hồ sơ của mình.
-
Phạt vi phạm hành chính nếu chậm giải quyết bồi thường
Sau khi khách hàng đã cung cấp đủ hồ sơ hợp lệ để doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường. Nhưng quá thời hạn được nêu tại khoản 1 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nêu trên mà doanh nghiệp bảo hiểm vẫn không có kết quả giải quyết bồi thường thì có thể bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 14. Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật.
Cần lưu ý:
- Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm;
- Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm chậm giải quyết bồi thường thì bị phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.