Nhượng quyền thương mại là hình thức hợp tác kinh doanh cho đối tác khác sử dụng thương hiệu, mô hình hệ thống kinh doanh đã thành công và thu một khoản phí nhất định.
Ngành nhượng quyền thương mại đang nở rộ tại Việt Nam với sự có mặt của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Có thể kể ra rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng thế giới từ đồ ăn nhanh, nhà hàng cho đến quần áo, mỹ phẩm như McDonald’s, Baskin Robbins, Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Burger King, Lotteria, Tous Les Jours, Swensen’s, Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London, Bulgari, Moschino, Rossi…
Hiện nay chỉ có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động nhượng quyền thương mại của mình cho đối tác khác như Cafe Bobby Brewers (Công ty TNHH Vũ Giang), Phở 24 (Công ty Sản xuất – thương mại Phở hai mươi bốn), thương hiệu thời trang giày, dép, túi xách T&T (DN tư nhân Thương mại – dịch vụ Đức Triều). Một số doanh nghiệp khác đang có ý định áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại như cà phê Trung Nguyên, Highlands Coffee, Trà sữa Hoa Hướng Dương, cà phê Milano, cà phê Napoli…
Trong bài viết này, chúng tôi trình bày về điều kiện để doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại để Quý khách tham khảo áp dụng.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại số 36/2005/QH11;
- Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh
1. Điều kiện đối với bên nhượng quyền:
Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.
2. Đã đăng ký và được chấp thuận đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công Thương trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam.
2. Điều kiện đối với bên nhận quyền
Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại
3. Điều kiện đối với hàng hóa, dịch vụ nhượng quyền
1. Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.
2. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.