Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, một số hoạt động của doanh nghiệp sẽ được giám sát nhằm bảo toàn tài sản của doanh nghiệp để thanh toán cho các chủ nợ
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Phá sản năm 2014.
Thủ tục thá sản có thể được thực hiện nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Do đó, để bảo toàn tài sản nhằm mục đích thanh toán cho các chủ nợ, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp bị giám sát khi thực hiện các hoạt động sau:
- Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản;
- Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực;
- Thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.
Riêng đối với các hợp đồng kinh tế mà trong tương lai có thể đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp thì có thể được xem xét thực hiện hoặc bị tạm đình chỉ thực hiện nếu có thể dẫn đến rủi ro cho các chủ nợ.
-
Các hợp đồng có bị tạm đình chỉ thực hiện sau khi mở thủ tục phá sản?
Căn cứ khoản 1 Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định về việc tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng như sau:
Điều 61. Tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp xử lý các khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại Điều 53 của Luật này.
Theo quy định trên, trừ trường hợp xử lý các khoản nợ có bảo đảm, sau khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản vẫn có thể thực hiện các hợp đồng đã giao kết, mà các hợp đồng này không bị tạm đình chỉ thực hiện.
Chỉ khi nào việc thực hiện các hợp đồng có khả năng dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản thì các hợp đồng này mới có thể bị tạm đình chỉ thực hiện.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng chỉ được áp dụng khi có yêu cầu của:
- Chủ nợ;
- Doanh nghiệp đang bị mở thủ tục phá sản.
-
Đối tác bị đình chỉ thực hiện hợp đồng có thể đòi lại tài sản đã giao cho doanh nghiệp?
Việc đình chỉ thực hiện hợp đồng chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tác đã giao kết hợp đồng với doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của các bên có hợp đồng bị tạm đình chỉ thực hiện, Điều 62 Luật Phá sản năm 2014 có quy định về thanh toán, bồi thường thiệt hại như sau:
Điều 62. Thanh toán, bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện
1. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán.
2. Trường hợp việc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại.
Theo quy định trên, khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện:
- Nếu tài sản mà doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản nhận được từ hợp đồngvẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp thì bên đối tác có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản; Ngược lại, nếu tài sản đó không còn thì bên đối tác được xem như một chủ nợ của doanh nghiệp;
- Nếu gây thiệt hại cho bên đối tác thì bên đối tác được xem như một chủ nợ của doanh nghiệp đối với khoản thiệt hại.