Công ty cổ phần có đặc thù là không quan trọng về mối quan hệ giữa các chủ sở hữu, đồng thời cũng không hạn chế về số lượng cổ đông. Chính vì vậy, các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cá nhân, tổ chức khác. Điều này có thể thấy rất rõ trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, có một số hạn chế nhất định việc chuyển nhượng cổ phần.
-
Hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập
Sự hạn chế này áp dụng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhằm hạn chế sự rút vốn của các cổ đông sáng lập trong giai đoạn công ty mới thành lập. Cụ thể như sau:
Cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác.
Cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Hạn chế trên không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
-
Trường hợp khác hạn chế chuyển nhượng cổ phần
Nếu điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần và các quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó.
-
Một số quy định khác liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần
Việc chuyển nhượng được thực hiện thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán hoặc có thể lập hợp đồng chuyển nhượng theo cách thông thường.
Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần sau khi công ty đã kết thúc lập danh sách cổ đông và trước khi trả cổ tức thì người chuyển nhượng là người nhận cổ tức từ công ty.