Người không trực tiếp nuôi con mà có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện cấp dưỡng đúng theo bản án/quyết định đã có hiệu lực của tòa án.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em chào anh chị, em đã ly hôn hồi năm 2023 và đã nhận được bản án của tòa. Em được nuôi con, còn chồng phải cấp dưỡng hàng tháng là 8 triệu. Nhưng đã 3 tháng nay anh ta không gửi tiền cấp dưỡng cho em rồi. Em muốn hỏi nếu em gửi đơn thưa thì anh ta có bị phạt gì không ạ?
Theo quy định pháp luật, sau khi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì mọi cá nhân, tổ chức phải tôn trọng và tuân thủ phán quyết của tòa án. Hành vi không chấp hành bản án đã có hiệu lực thi hành đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau:
Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, nếu người chồng (người phải thi hành án) không cấp dưỡng theo bản án thì:
- Bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Đồng thời phải cấp dưỡng đầy đủ số tiền còn chưa thực hiện và tiếp tục cấp dưỡng (nếu còn).