Vụ việc ly hôn sẽ phức tạp và tốn thời gian hơn nếu vợ chồng không đồng thuận và người chồng đang ở nước ngoài.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Xin chào Luật sư TLT, tôi đang có nhu cầu ly hôn, mà chồng tôi không đồng ý lại đang ở nước ngoài. Tôi muốn hỏi một số thủ tục ly hôn trong vụ này như thế nào?
Việc ly hôn đơn phương mà một bên vợ/chồng đang ở nước ngoài sẽ phải thực hiện tống đạt các văn bản ra nước ngoài do đó vụ án sẽ kéo dài hơn bình thường, nhưng vẫn có thể thực hiện được.
-
Nộp đơn ly hôn ở tòa án nào?
Căn cứ Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài. thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Do đó, khi có người chồng đang ở nước ngoài thì người yêu cầu ly hôn (người vợ) phải nộp hồ sơ ly hôn đơn phương đến tòa án nhân dân cấp tỉnh.
-
Hồ sơ ly hôn gồm những gì?
Hồ sơ ly hôn đơn phương cần nộp đến tòa án bao gồm:
- Đơn xin đơn phương ly hôn (theo mẫu);
- Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Nếu mất thì phải nộp bản sao đăng ký kết hôn;
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu; hộ khẩu của người yêu cầu ly hôn đơn phương;
- Tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có);
- Giấy khai sinh của con (nếu có);
- Giấy tờ, tài liệu về tài sản chung, nợ chung của hai vợ chồng (nếu có).
-
Một số tình huống đặc biệt trong vụ án ly hôn khi một người ở nước ngoài
Thực tế, khi tham gia giải quyết những vụ án ly hôn đơn phương mà bị đơn đang ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy nhiều trường hợp bị đơn không hợp tác, không cung cấp địa chỉ ở nước ngoài.
Do đó, nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ ở Việt Nam. Những trường hợp này được giải quyết theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP như sau:
- Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Người yêu cầu ly hôn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết.
- Nếu thông qua thân nhân của bị đơn ở nước ngoài mà biết rằng bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn.
-
Người ở nước ngoài có được ủy quyền không?
Ly hôn là việc có liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân. Vì vậy về nguyên tắc người khác không thể quyết định thay cho nguyên đơn, bị đơn trong vụ án ly hôn.
Vì vậy, vợ và chồng trong vụ án ly hôn phải tự mình tham gia vụ án và tự quyết định về vấn đề hôn nhân. Trừ trường hợp cha, mẹ, người thân thích có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn nếu:
- Một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình,
- Đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Riêng các vấn đề về chia tài sản và nợ trong vụ án hôn nhân thì vợ, chồng có quyền ủy quyền cho người khác tham gia vụ án và quyết định.