Cá nhân được quyền thừa kế di sản do người đã mất để lại. Nhưng nếu di sản là đất đai chưa được cấp sổ đỏ thì nhận thừa kế như thế nào?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Đất đai năm 2013.
Theo Khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, quyền sử dụng đất có thể được chuyển từ người này sang người khác thông qua các hình thức thừa kế. Tuy nhiên, với đất đai chưa được công nhận quyền sử dụng thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng thì việc thừa kế được thực hiện ra sao?
-
Quyền thừa kế đất không có sổ đỏ
Căn cứ Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
1. Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
2. Đất không có tranh chấp;
3. Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
4. Trong thời hạn sử dụng đất.
Căn cứ Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013, Người sử dụng đất được thực hiện nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo các quy định trên, mặc dù thửa đất chưa được cấp sổ đỏ, nhưng người sử dụng vẫn có thể nhận thừa kế đất đai nếu thửa đất đó đủ điều kiện để được cấp sổ. Và như vậy, người sử dụng đất có quyền lập di chúc để lại di sản là đất đai chưa được cấp giấy chứng nhận, trừ trường hợp việc sử dụng đất là bất hợp pháp.
-
Chia thừa kế đất đai theo di chúc
Khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Do vậy, nếu di chúc là hợp pháp thì việc chia thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo di chúc do người đã mất để lại. Tuy nhiên cần lưu ý một số nội dung sau:
Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thừa kế như sau:
- Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố chết) hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con thành niên mà không có khả năng lao động
Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nêu trên vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 (hai phần ba) suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc chỉ không được nhận thừa kế nếu họ từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.
-
Chia thừa kế đất đai không có di chúc
Ai được hưởng thừa kế theo pháp luật?
Căn cứ Điều 650, Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại,…) với người để lại di sản gồm:
1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
2. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
3. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Với 3 hàng thừa kế nêu trên, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Cần lưu ý: Người thừa kế thế vị (thay thế vị trí để hưởng thừa kế)
Thừa kế thế vị chỉ áp dụng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật (không áp dụng cho thừa kế theo di chúc. Cụ thể Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
- Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;
- Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Cách phân chia thừa kế đất đai:
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó, cần xác định số người thừa kế theo pháp luật, và phần di sản được hưởng sẽ được chia đều cho những người đó.
Tuy nhiên, với di sản là đất đai, nên việc phân chia đất đai cần tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai, đặc biệt là quy định về tách thửa. Do vậy, nếu không đủ điều kiện để tách thửa đất đai thì:
Những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia