Vợ chồng có quyền thỏa thuận để lập một chế độ tài sản của vợ chồng để áp dụng cho việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản vợ chồng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là văn bản thể hiện các nguyên tắc quy định việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của vợ chồng.
Khi thực hiện chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ thì áp dụng các quy định của chế độ tài sản theo luật định.
-
Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chế độ tài sản của vợ chồng được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn và phải:
- Được lập trước khi kết hôn;
- Lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Căn cứ Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nội dung cơ bản của văn bản chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan.
-
Vợ chồng có thể sửa đổi chế độ vợ chồng được không?
Với bản chất là một thỏa thuận dân sự, do vậy, vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.
Ngoài ra, căn cứ Điều 17 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP như sau:
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.
2. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung nội dung thoả thuận chế độ tài sản đã lập. Tuy nhiên do văn bản chế độ tài sản vợ chồng phải được công chứng/ chứng thực. Do vậy, nội dung sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng cũng phải được lập bằng văn bản và được công chứng/ chứng thực.
-
Chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi nào?
Văn bản chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là một thỏa thuận dân sự. Do vậy, văn bản này cũng có thể bị vô hiệu theo quy định tại Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:
Điều 50. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;
c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này
Như vậy, chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây:
- Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự;
- Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
- Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.