Tác động của đại dịch Covid-19 làm phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng thương mại do một bên chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ làm nổi lên vấn đề pháp lý về sự kiện bất khả kháng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chỉ khi sự kiện dịch covid- 19 xảy ra, nhiều người mới quan tâm nghiêm túc đến các vấn đề liên quan đến sự kiện bất khả kháng. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: covid-19 có phải sự kiện bất khả kháng hay không? Trách nhiệm của mỗi bên khi bị ảnh hưởng bởi sự kiện covid-19 như thế nào? Kinh doanh bị ảnh hưởng có được miễn tiền thuê mặt bằng hay không?
Đó là những vấn để nổi lên khi sự kiện covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, ít người quan tâm đến việc hợp đồng nên được soạn thảo như thế nào để có thể hữu dụng khi sự kiện bất khả kháng xảy ra.
-
Sự kiện bất khả kháng và các vấn đề cần lưu ý
Một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là: các bên trong hợp đồng phải tôn trọng và tuân thủ các thỏa thuận đã giao kết.
Tuy nhiên, thực tế không phải bao giờ cũng như con người mong đợi. Trong nhiều trường hợp, bối cảnh tại thời điểm thực hiện hợp đồng đã thay đổi so với thời điểm ký kết hợp đồng, mà nếu bối cảnh trong tương lai đó đã xảy ra tại thời điểm ký kết thì có thể các bên sẽ không giao kết hợp đồng hoặc giao kết với các thỏa thuận khác.
Việc bối cảnh thay đổi như vậy có thể ảnh hưởng đến một bên hoặc cả hai bên trong hợp đồng, làm cho họ không thể thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận. Thông thường các bên sẽ chủ động thương lượng điều chỉnh hợp đồng để phù hợp với bối cảnh mới. Mặc dù vậy, không ít trường hợp các bên phải nhờ đến tòa án, trọng tài để giải quyết tranh chấp. Khi đó, việc bối cảnh thay đổi được đặt ra xem xét đó có phải là sự kiện bất khả kháng hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 sự kiện bất khả kháng được quy định như sau:
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo quy định trên, Một sự kiện được coi là bất khả kháng khi có đủ ba yếu tố:
- Sự kiện xảy ra khách quan;
- Các bên không thể lường trước được về sự xuất hiện của sự kiện này tại thời điểm ký kết hợp đồng;
- và hậu quả của sự kiện là không thể khắc phục mặc dù bên vi phạm hoặc các bên đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng của mình
Ví dụ: Dịch covid-19 chỉ đến tháng 01/2020 mới được phát hiện và được các phương tiện truyền thông đưa tin. Nếu hợp đồng được ký kết trước thời điểm này và hậu quả của nó trong quá trình thực hiện hợp đồng vào năm 2020 không thể khắc phục được thì có thể xem xét dịch covid-19 trong trường hợp này là sự kiện bất khả kháng. Nếu việc ký kết hợp đồng vào thời điểm năm 2021 thì khó có thể coi dịch covid-19 là sự kiện bất khả kháng.
Ngoài ra, việc xem xét một sự kiện xảy ra có phải là bất khả kháng hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố khác của giao dịch như: Đối tượng của hợp đồng là gì? Nghĩa vụ bị vi phạm là gì? Các bên đã có những nỗ lực ra sao để thực hiện nghĩa vụ của mình?
-
Soạn thảo điều khoản xác định sự kiện bất khả kháng
Như đã nêu trên, để nhận định một sự kiện xảy ra có phải là bất khả kháng hay không cần xem xét nhiều yếu tố. Do vậy, nếu ngay tại thời soạn thảo hợp đồng, nếu các bên có thể lường trước các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng dựa trên những hiểu biết về: đặc điểm ngành nghề, hàng hóa và dịch vụ giao dịch, các yếu tố thị trường, vai trò của các bên thứ ba khác khi thực hiện hợp đồng,… thì khi rủi ro có sự kiện nào đó xảy ra sẽ thuận lợi hơn để giải quyết tranh chấp.
Thông thường có 3 cách tiếp cận để soạn thảo điều khoản bất khả kháng như sau:
Thứ nhất: Quy định các tiêu chí chung để xác định thế nào là sự kiện bất khả kháng.
Cách làm này tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Việc áp dụng khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 là mặc định khi hợp đồng được áp dụng theo hệ thống pháp luật Việt Nam. Nên cần lưu ý, dù các bên thỏa thuận loại bỏ bớt tiêu chí xác định sự kiện bất khả kháng thì khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn được ưu tiên áp dụng.
- Hạn chế của lựa chọn soạn thảo này là cần sự hiểu biết nhất định và đánh giá sâu sắc mới có thể kết luận một sự kiện có phải là bất khả kháng hay không?
Thứ hai: Liệt kê cụ thể các sự kiện nào thì được coi là sự kiện bất khả kháng.
- Thông thường, các hợp đồng hiện nay quy định các sự kiện bất khả kháng có thể là: thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, đình công, lãn công, các thay đổi chính sách, các quyết định của Chính phủ, các hành vi của cơ quan Nhà nước,…
- Hạn chế của lựa chọn soạn thảo này là không thể liệt kê hết các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai. Do vậy, khi soạn thảo hợp đồng, cụm từ “bao gồm nhưng không giới hạn” thường được sử dụng để mở rộng thêm các sự kiện khác mà các bên không liệt kê sẵn.
Thứ ba: Kết hợp cả hai cách soạn thảo nêu trên, vừa nêu các tiêu chí chung để xác định sự kiện bất khả kháng, vừa liệt kê các sự kiện cụ thể là bất khả kháng.
- Các bên cũng có thể liệt kê thêm các trường hợp đặc biệt hơn. Ví dụ: trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào tăng/giảm quá lớn so với mức giá chung tại thời điểm ký kết hợp đồng.
- Lựa chọn này hiệu quả hơn so với hai cách tiếp cận trên. Nhưng cũng không thể khắc phục hết các hạn chế đã nêu.
-
Soạn thảo điều khoản giải quyết khi sự kiện bất khả kháng xảy ra
Ngoài việc xác định sự kiện nào được coi là bất khả kháng, các bên cũng nên có các quy định bổ sung để giải quyết trong trường hợp sự kiện bất khả kháng xảy ra. Cụ thể, nên có một số nội dung sau:
- Bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng được miễn tránh nhiệm như thế nào? Miễn toàn bộ hay miễn một phần?
- Khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên bị ảnh hưởng phải thực hiện những việc gì? Phải thông báo ra sao?
- Bên vi phạm nghĩa vụ phải có trách nhiệm hạn chế thiệt hại như thế nào cho bên còn lại?
- Sự kiện bất khả kháng kéo dài trong bao lâu thì các bên có quyền/nghĩa vụ như thế nào?