Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe trong một số trường hợp nhất định. Các trường hợp này gọi là loại trừ bảo hiểm
Căn cứ pháp lý:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10;
- Nghị định số 214/2013/NĐ-CP;
- Thông tư số 22/2016/TT-BTC.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm có mục đích nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người bị tai nạn trong vụ tai nạn giao thông, để làm sao cho người bị tai nạn có thể được bù đắp một phần hoặc toàn bộ mất mát trong thời gian ngắn hơn so với việc người bị thiệt hại tiến hành thủ tục khởi kiện yêu cầu người gây tai nạn bồi thường.
-
Trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.
Căn cứ Điều 5 Thông tư số 22/2016/TT-BTC, hai nhóm thiệt hại mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho chủ xe cơ giới bao gồm:
- Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.
- Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.
-
Các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường
Trong một vụ tai nạn giao thông, thông thường sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và chủ xe gây tai nạn sẽ là người có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Xuất phát từ trách nhiệm đó của chủ xe, dẫn đến khả năng làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với chủ xe.
Tuy nhiên, Điều 12 Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định một số trường hợp theo đó mặc dù chủ xe có khả năng sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại, nhưng chủ xe sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho các thiệt hại đó:
Điều 12. Loại trừ bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:
1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
3. Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.
7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.