Giảm trừ bồi thường là việc doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chấp nhận chi trả một phần quyền lợi bảo hiểm với lý do xuất phát từ lỗi của người được bảo hiểm
Căn cứ pháp lý:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10.
Bảo hiểm tự nguyện vật chất xe là loại hình bảo hiểm tài sản. Căn cứ để xác định số tiền bồi thường được quy định tại Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm:
Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định trên, khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Từ đó xác định được số tiền bồi thường. Tuy nhiên, ngoài các quy định pháp luật, việc bồi thường bảo hiểm còn căn cứ vào quy tắc bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Quy tắc bảo hiểm là một bộ phận của hợp đồng bảo hiểm mà người mua bảo hiểm cần hết sức lưu ý và đòi hỏi phải có sự xem xét, nghiên cứu khi tham gia bảo hiểm. Bởi lẽ, trong quy tắc bảo hiểm chứa đựng các nội dung về quyền lợi bảo hiểm bao gồm giảm trừ số tiền bồi thường, loại trừ trách nhiệm bảo hiểm…
Các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường đều phải ban hành quy tắc bảo hiểm cho từng loại sản phẩm bảo hiểm của mình trước khi cung cấp dịch vụ ra thị trường. Quy tắc bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường là khác nhau, tuy nhiên trong đó vẫn có nhiều điểm tương đồng.
Giảm trừ bồi thường là việc doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chấp nhận chi trả một phần quyền lợi bảo hiểm và người được bảo hiểm sẽ không được bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế. Chúng tôi nêu một số điều khoản giảm trừ bảo hiểm được đa số các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng khi có các sự kiện như sau:
- Chủ xe không gửi thông báo tổn thất cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn quy định;
- Chủ xe không thông báo ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương;
- Chủ xe cung cấp thông tin về vụ tai nạn không trung thực;
- Chủ xe không thực hiện các biện pháp cứu chữa, hạn chế thiệt hại;
- Chủ xe tự ý di chuyển xe; tự lý tháo gỡ, sửa chữa tài sản trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn hoặc hạn chế thiệt hại;
- Điều khiển xe vượt quá tốc độ;
- Điều khiển xe chở quá tải trọng, quá số người theo quy định;
- Chủ xe không bảo lưu quyền yêu cầu người gây tai nạn bồi thường và chuyển quyền đó cho doanh nghiệp bảo hiểm;
- Chủ xe khai không đúng mục đích sử dụng xe dẫn đến doanh nghiệp bảo hiểm tính toán và thu thiếu phí bảo hiểm;
- Chủ xe không thông báo các thay đổi làm tăng mức độ rủi ro có thể xảy ra thiệt hại dẫn đến doanh nghiệp bảo hiểm tính toán và thu thiếu phí bảo hiểm.
Để được tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, xin vui lòng liên hệ với luật sư của chúng tôi qua:
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM