Pháp luật dân sự hiện nay quy định 4 loại lãi suất bao gồm: lãi suất cho vay, lãi suất chậm trả nợ gốc, lãi suất chậm trả lãi và lãi suất chậm trả khác.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13;
- Luật thương mại số 36/2005/QH11;
- Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12;
- Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Các quy định về lãi suất từ Bộ luật dân sự năm 2005 đến Bộ luật dân sự năm 2015 hiện nay khá phức tạp và khó hiểu. Chúng tôi tổng hợp các loại lãi suất thường được áp dụng trong các hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại và hợp đồng tín dụng để Quý khách tham khảo.
-
Lãi suất vay
Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất vay tiền “do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản”.
Đến Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 không còn quy định khái niệm “lãi suất cơ bản”. Thay vào đó, Khoản 1, Điều 468 quy định, các bên có thể thỏa thuận lãi suất vay nhưng không được vượt quá 20%/năm:
Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Lãi suất vay 20% nêu trên được áp dụng cho các hợp đồng dân sự vay tài sản.
Ngoài ra, quy định trên có nội dung: “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Do đó, theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, hiện nay, Luật các tổ chức tín dụng hiện hành không quy định giới hạn mức lãi suất vay như trên, mà đối với các hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất theo quy định tại Khoản 2, Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12:
Điều 91. Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, đã quy định cụ thể hơn về quyền thỏa thuận lãi suất giữa tổ chức tín dụng và khách hàng tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 13 như sau:
Điều 13. Lãi suất cho vay
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
Như vậy, ngoại trừ các đối tượng và lĩnh vực đặc thù được quy định tại Khoản 2 Điều 13, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN nêu trên, các bên trong hợp đồng tín dụng được thỏa thuận về lãi suất, mà không áp dụng lãi suất tối đa 20% như hợp đồng dân sự vay tài sản.
-
Lãi suất chậm trả nợ gốc
Trước đây, tại Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, đối với hợp đồng dân sự vay tài sản, trường hợp đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ nợ gốc, thì bên vay phải trả lãi do chậm trả nợ gốc theo lãi suất cơ bản. Riêng đối với hợp đồng tín dụng thì mức lãi suât chậm trả nợ gốc là không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn.
Hiện nay, tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 466, Bộ luật Dân sự năm 2015, do không còn quy định lãi suất cơ bản, do đó, lãi suất chậm trả nợ gốc đối với hợp đồng dân sự vay tài sản là 150% lãi suất vay theo hợp đồng. Quy định này tiến đến gần tương tự với lãi suất trên nợ gốc quá hạn đối với hợp đồng tín dung.
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Như vậy, khi đến hạn mà bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì lãi suất chậm trả nợ gốc áp dụng như sau:
- Nếu hợp đồng vay không có lãi: lãi suất chậm trả nợ gốc là 10%/năm
- Nếu hợp đồng vay có lãi: lãi suất chậm trả nợ gốc bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng
-
Lãi suất chậm trả lãi
Trước đây, theo Bộ luật Dân sự năm 2005, đối với hợp đồng dân sự vay tài sản, không có quy định tính lãi trên tiền lãi chậm trả (lãi chồng lãi; lãi nhập vào nợ gốc để tiếp tục tính lãi).
Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, lần đầu tiên đã thừa nhận các bên trong hợp đồng dân sự vay tài sản được quyền tính lãi trên tiền lãi chậm trả, với mức lãi suất là 10%/năm:
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
-
Lãi suất chậm trả khác
Ngoài các loại lãi suất được áp dụng cho hợp đồng vay tài sản và hợp đồng tín dụng như nêu trên, pháp luật dân sự và thương mại còn quy định nghĩa vụ của các bên do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự và chậm thanh toán. Đây là các quy định về việc trả lãi do chậm trả tiền trong các hợp đồng không phải là hợp đồng vay tài sản, ví dụ: hợp đồng dịch vụ, hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê…
Trước đây, Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu một bên chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản.
Hiện nay, Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất 20% và 10% được áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản tiếp tục áp dụng đối với mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền:
Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Như vậy, đối với hợp đồng dân sự, nếu một bên chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất như sau:
- Nếu không thỏa thuận lãi chậm trả: áp dụng lãi suất 10%/năm
- Nếu có thỏa thuận lãi chậm trả: áp dụng lãi suất theo thỏa thuận, nhưng không được quá 20%/năm
Đối với hợp đồng thương mại, nghĩa vụ trả lãi do chậm thanh toán được quy định tại Điều 306 Luật thương mại số 36/2005/QH11 như sau:
Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Theo quy định trên, nếu các bên không có thỏa thuận thì lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán sẽ được căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 3 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, Agribank,…)