Khi giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xác minh và xử lý vật chứng theo quy định pháp luật.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi có vụ việc như này là tôi có cho người bạn mượn chiếc xe máy. Bạn chỉ nói là mượn đi có việc, nhưng sau lại bị bắt vì tàng trữ ma túy và bị giữ luôn xe của tôi. Tôi muốn hỏi là tôi có lấy lại được xe máy không hay là bị tịch thu?
Khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ thu giữ, tạm giữ các tài sản đang thuộc sự quản lý của người phạm tội để điều tra, xác minh việc sử dụng các tài sản đó có vai trò như thế nào trong vụ án.
Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
- Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
- Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.
- Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
- Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Điều 106. Xử lý vật chứng
- Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
- Vật chứng được xử lý như sau:
- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà cóthì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
- Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
- Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
- Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
- Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
- Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo các quy định trên: Nếu tài sản là công cụ, phương tiện phạm tội thì tài sản đó sẽ bị tịch thu hoặc tiêu hủy. Người chủ sở hữu tài sản sẽ được trả lại tài sản nếu:
- Tài sản không phải là vật chứng;
- Nếu tài sản là vật chứng nhưng việc trả lại không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và việc thi hành án.
Ngoài ra: Nếu người chủ sở hữu tài sản có lỗi để cho người khác sử dụng tài sản của mình vào việc phạm tội thì tài sản có thể bị tịch thu.
Như vậy:
- Nếu người chủ xe biết người bạn sẽ dùng xe để tàng trữ trái phép ma túy mà vẫn cho mượn thì chiếc xe sẽ bị tịch thu, ngoài ra người chủ xe còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
- Nếu người chủ xe máy cho mượn xe nhưng không biết người bạn sẽ sử dụng xe để tàng trữ trái phép ma túy thì người chủ xe có thể được nhận lại xe của mình.