Người mua bảo hiểm nhân thọ có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết để bảo đảm quyền lợi của mình
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019.
Trên cơ sở pháp luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm là một căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người được bảo hiểm, người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Nếu người mua bảo hiểm không thực hiện đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, và có khả năng dẫn đến không được bồi thường bảo hiểm dù xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Vậy nếu bị đình chỉ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ do đóng phí trễ hạn, người mua bảo hiểm có thể khôi phục lại hợp đồng được không?
-
Nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn
Tùy vào chính sách của từng doanh nghiệp bảo hiểm, người mua bảo hiểm có thể đóng phí định kỳ theo tháng/quý/năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân có thể do không nắm rõ nghĩa vụ đóng phí, hoặc gặp khó khăn tài chính mà nhiều người mua bảo hiểm đã không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn.
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, nếu người mua bảo hiểm trễ hạn đóng phí thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gia hạn đóng phí. Trong thời gian gia hạn, người mua bảo hiểm vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu xảy ra sự kiện rủi ro.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019, nếu sau 60 kể từ ngày gia hạn đóng phí mà người mua bảo hiểm vẫn không đóng phí thì:
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới 02 năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nếu người mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ 02 năm trở lên và họ không yêu cầu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, thì tùy chính sách riêng của mình và hợp đồng đã ký, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xử lý như sau:
- Nếu mức phí đóng một kỳ lớn hơn giá trị của các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút, thì khoản phí bảo hiểm còn thiếu sẽ tự động được thanh toán từ giá trị tiền mặt nhận được theo hợp đồng trừ các khoản nợ (nếu có) của hợp đồng, và hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực;
- Nếu giá trị tiền mặt nhận được theo hợp đồng trừ các khoản nợ vẫn không đủ để thanh toán mức phí một kỳ bảo hiểm, thì hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động được chuyển sang kỳ đóng phí ngắn hơn (nhưng tối thiểu là hàng tháng) để tiếp tục tự động được thanh toán từ giá trị tiền mặt trừ các khoản nợ (nếu có) còn lại;
- Nếu giá trị tiền mặt nhận được theo hợp đồng trừ các khoản nợ (nếu có) không đủ đóng phí bảo hiểm hàng tháng, thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng.
-
Hợp đồng bảo hiểm bị đình chỉ có thể khôi phục lại hay không?
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019, người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày bị đình chỉ. Tuy nhiên người mua bảo hiểm phải thực hiện đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người mua bảo hiểm được tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình cho đến khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm, mà không cần tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới.
Tùy theo chính sách riêng của mình và hợp đồng đã ký, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có những điều kiện để có thể khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như sau:
- Người mua bảo hiểm phải gửi yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản theo mẫu của doanh nghiệp bảo hiểm và chờ doanh nghiệp bảo hiểm xem xét chấp nhận;
- Thanh toán ngay toàn bộ phí bảo hiểm còn nợ và tiền lãi theo chính sách của từng doanh nghiệp bảo hiểm;
- Người được bảo hiểm phải cung cấp lại thông tin về sức khỏe và đáp ứng được các điều kiện được bảo hiểm theo quy định của doanh nghiệp bảo hiểm;
- Thời điểm khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm phải trước ngày kết thúc hợp đồng.
Cần lưu ý: Mặc dù có thể khôi phục lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng trước khi hợp đồng được khôi phục, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có khả năng từ chối bồi thường bảo hiểm.