Doanh nghiệp có nghĩa vụ đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả địa điểm làm việc, và phải tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015;
- Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Công ty tôi làm dịch vụ outsource phần mềm, môi trường làm việc văn phòng nên không có gì nguy hiểm hay độc hại. Vừa rồi tôi có nghe là công ty mỗi năm đều phải tập huấn về an toàn lao động cho nhân viên. Vậy có đúng không? Công ty nào cũng phải làm hay sao?
Theo Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Trong đó có nghĩa vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động như sau:
-
Nghĩa vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Căn cứ Điều 7 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 như sau:
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
- Người sử dụng lao động có quyền sau đây:
- a) Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
- b) Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;
- c) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;
- d) Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
- a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
- b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
- c) Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;
- d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
- đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
- e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;
- g) Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 nêu trên, doanh nghiệp có nghĩa vụ tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Do đó, việc huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động tại doanh nghiệp và một nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải tuân thủ thực hiện.
-
Đối tượng phải được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Căn cứ Điều 17 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, những đối tượng phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bao gồm 6 nhóm sau đây:
- Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
- Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
- Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
- Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
- Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật an toàn, vệ sinh lao động
-
Thời gian huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Căn cứ Điều 19 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, những đối tượng phải được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động phải đảm bảo thời gian huấn luyện tối thiểu lần đầu như sau:
- Nhóm 1, nhóm 4: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
- Nhóm 2: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra.
- Nhóm 3: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
- Nhóm 5: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
- Nhóm 6: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, những đối tượng trên phải được huấn luyện cập nhật kiến thức; huấn luyện khi có sự thay đổi về công việc, thay đổi thiết bị, công nghệ; huấn luyện khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ; huấn luyện định kỳ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
-
Xử phạt hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo các quy định nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 25. Vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với tổ chức hoạt động huấn luyện không huấn luyện mà nhận kết quả huấn luyện hoặc sử dụng người lao động không được cấp thẻ an toàn theo quy định của pháp luật làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trước khi bố trí làm công việc này theo một trong các mức sau đây:
- a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
- b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người;
- c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người;
- d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người;
- đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người trở lên.
Lưu ý:
- Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm;
- Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.