Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên. Để đạt được thỏa thuận đó, các bên tham gia phải có sự tự do, tự nguyện, trung thực và có thiện chí.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật thương mại năm 2005.
1. Tự do thỏa thuận
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng là sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Điều này được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật như Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự, Điều 11 Luật thương mại.
Sự tự do này được thể hiện ở việc cá nhân, tổ chức có quyền tự do lựa chọn đối tác kinh doanh, tự do thỏa thuận các điều kiện, điều khoản giao kết hợp đồng.
Thỏa thuận không dựa trên sự tự do, tự nguyện đều có khả năng bị tuyên bố vô hiệu.
2. Thỏa thuận không được xâm phạm đến lợi ích của người khác
Việc các bên có quyền tự do thỏa thuận trong giao kết hợp đồng không có nghĩa rằng các bên được quyền thỏa thuận bất cứ điều gì. Đặc biệt trong trường hợp sự thỏa thuận đó xâm phạm đến lợi ích của người khác không tham gia thỏa thuận hợp đồng.
Vì vậy, pháp luật hợp đồng có nguyên tắc để bảo vệ lợi ích công, lợi ích của người khác. Pháp luật có nhiều quy định có tính bắt buộc đối với các bên giao kết hợp đồng. Ví dụ:
- Mức phạt vi phạm hợp đồng: căn cứ Điều 301 Luật thương mại, các bên có thể thỏa thuận từng khoản phạt cho mỗi loại vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, tuy nhiên tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
- Mức lãi suất vay trong hợp đồng vay tài sản mà không phải hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng: căn cứ Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
3. Trung thực và có thiện chí
Đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng. Trong suốt quá trình từ giai đoạn trao đổi thông tin, đàm phán, giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng, các bên đều phải trung thực và thiện chí.
Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận, sau khi hợp đồng được giao kết hợp pháp, các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ những gì đã giao kết. Cho dù nếu có bên nào cho rằng mình bị thua thiệt, hoặc bất lợi thì bên đó cũng không thể đương nhiên có quyền từ bỏ thực hiện các thỏa thuận đã giao kết trên cơ sở tự do, tự nguyện.
Bất kỳ sự không trung thực nào để hợp đồng được giao kết đều có khả năng dẫn đến hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên, việc các bên hành động như thế nào được coi là trung thực và có thiện chí không phải lúc nào cũng rõ ràng. Do đó, khi tranh chấp sảy ra, nó sẽ phụ thuộc vào việc áp dụng pháp luật và giải thích của tòa án hoặc trọng tài thương mại.
Điều 3 Bộ luật dân sự
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Điều 11 Luật thương mại
Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại
1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.
2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.