Có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh – thương mại. Trong đó giải quyết thông qua tòa án được nhiều doanh nghiệp lựa chọn sau khi tự thỏa thuận hòa giải không thành công.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Chúng tôi tóm tắt một số quy định pháp luật liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp tại tòa án để quý khách tham khảo.
-
Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Tòa án có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp sau đây:
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty;
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty TNHH hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
-
Thẩm quyền của tòa án theo cấp hành chính
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thương mại nêu trên.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hhững tranh chấp về kinh doanh, thương mại thương mại nêu trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
-
Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ
Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo thủ tục sơ thẩm.
Các bên có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp.
Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
-
Hồ sơ khởi kiện
- Đơn khởi kiện
- Hợp đồng kinh tế hoặc văn bản, tài liệu giao dịch có giá trị như hợp đồng kinh tế; Biên bản bổ sung, phụ lục hợp đồng (nếu có).
- Tài liệu về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: cầm cố, thế chấp, tài sản (nếu có).
- Tài liệu về việc thực hiện hợp đồng như biên bản giao nhận hàng, biên bản nghiệm thu, chứng từ thanh toán, biên bản thanh lý hợp đồng, các biên bản làm việc về công nợ;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện, và những người có liên quan khác như: giấy phép, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp;
- Các tài liệu khác (nếu thấy cần thiết).
Lưu ý: Nếu Các tài liệu nêu trên là văn bản, tài liệu tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan, tổ chức có chức năng dịch thuật, kèm theo bản gốc.
-
Án phí
Án phí kinh doanh, thương mại hiện nay được áp dụng theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội như sau:
1 | Sơ thẩm | Án phí |
Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch | 3.000.000 đồng | |
Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch | ||
A | Từ 60.000.000 đồng trở xuống | 3.000.000 đồng |
B | Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% của giá trị tranh chấp |
C | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
D | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng |
Đ | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
E | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng |
2 | Phúc thẩm | |
Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại | 2.000.000 đồng |