Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Tuy nhiên có một số người vẫn được hưởng thừa kế dù không có tên trong di chúc.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Thưa Luật sư TLT, vợ chồng tôi sống ly thân đã hơn 10 năm nay, không còn tình cảm. Chồng tôi có làm di chúc nhưng mà để lại căn nhà cho một người lạ, tôi không biết người này là ai. Căn nhà này là tài sản chung của chúng tôi. Năm 2024 chồng tôi chết thì tôi có được hưởng thừa kế không?
Về nguyên tắc, cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên là có quyền lập di chúc và họ quyền tự quyết định định đoạt tài sản của mình sau khi chết trong di chúc đó.
Do đó, người chồng hoàn toàn có thể lập di chúc để lại tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình cho người ngoài gia đình.
Tuy nhiên, pháp luật có quy định để bảo vệ những người thân thuộc nhất của người lập di chúc, nếu họ không được di chúc để lại tài sản.
Căn cứ Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
- Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
- Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, 3 nhóm người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc là:
- Cha, mẹ
- Vợ, chồng
- Con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động
Như vậy, mặc dù người vợ không được chồng để lại tài sản trong di chúc, nhưng người vợ vẫn có quyền hưởng thừa kế tài sản do chồng để lại.
Ngoài ra, căn nhà là tài sản chung của vợ chồng, do đó về nguyên tắc thì người chồng chỉ có thể lập di chúc định đoạt một nửa căn nhà. Một nửa căn nhà còn lại là thuộc quyền sở hữu của người vợ. Vì vậy di chúc của người chồng trong trường hợp này chỉ có hiệu lực một phần đối với một nửa căn nhà.
Như vậy, sau khi người chồng chết thì căn nhà được chia như sau:
- Một nửa căn nhà thuộc quyền sở hữu của người vợ;
- Một nửa căn nhà còn lại được chia cho những người sau đây:
- Người vợ
- Cha, mẹ của người chồng (nếu họ còn sống)
- Con chưa thành niên và con đã thành niên của vợ chồng nhưng không có khả năng lao động (nếu có)
- Người lạ được chỉ định trong di chúc.