Vợ chồng có quyền thỏa thuận để thiết lập một chế độ tài sản khác so với các quy định chung của pháp luật hôn nhân và gia đình để làm cơ sở phân chia tài sản về sau?
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Nghị định số 126/2014/NĐ-CP.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vì nhiều lý do một số gia đình muốn lập thỏa thuận đối với tài sản đã tạo lập được trước khi kết hôn. Với các quy định của pháp luật hiện hành, việc thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn có được pháp luật cho phép hay không?
-
Thỏa thuận của vợ chồng về tài sản chung
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Căn cứ Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Theo các quy định trên, nếu có nhu cầu thì trước khi thực hiện thủ tục kết hôn hai bên phải tiến hành lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Hiệu lực của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản này phát sinh hiệu lực kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
-
Thủ tục thực hiện
Những nội dung cơ bản cần có trong văn bản thỏa thuận chế độ tài sản:
Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bao gồm những nội dung do các bên tự thỏa thuận đối với tài sản của họ. Tuy nhiên, căn cứ Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, một số nội dung sau đây cần phải có trong văn bản thỏa thuận bao gồm:
- Tài sản nào được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Các nội dung khác có liên quan.
Thực hiện xác nhận của cơ quan có thẩm quyền:
Sau khi đã soạn được văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng, hai bên vợ chồng phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
-
Những điều cần lưu ý
Căn cứ Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ chồng được quyền lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản. Tuy nhiên, các nội dung có trong văn bản thỏa thuận không được thuộc một trong các trường hợp bị Toà án tuyên vô hiệu được quy định tại Điều 50 Luật này.
Cụ thể, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sựvà các luật khác có liên quan;
- Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình;
- Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
Có thể thấy, văn bản thỏa thuận chế độ tài sản trước hôn nhân còn phải đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực như một giao dịch dân sự. Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định các điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực như sau:
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, vợ chồng có quyền lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn. Tuy nhiên để thỏa thuận này có giá trị pháp lý, các bên cần tuân thủ các quy định nêu trên.