Phụ nữ có thai phạm tội sẽ được hưởng các chính sách khoan hồng của Nhà nước để có điều kiện dưỡng thai cũng như chăm sóc con sau sinh.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em chào Luật sư TLT, cho em hỏi nếu một phụ nữ có thai mà phạm tội thì được giảm nhẹ hình phạt hay có được hoãn đi tù chờ sinh con không ạ?
Phụ nữ phạm tội khi đang mang thai hoặc khi đã bị kết án mà có thai thì có thể được hưởng các chính sách khoan hồng của Nhà nước trong khi xét xử, cũng như khi thi hành án. Cụ thể như sau:
-
Được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Căn cứ điểm n khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
- Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
- n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
Theo quy định trên, luật không quy định rõ về thời điểm có thai để xem xét tình tiết giảm nhẹ. Do đó, nếu khi xét xử mà người phạm tội đang có thai thì có thể sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ nêu trên.
-
Được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe trong trại giam
Căn cứ Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 như sau:
Điều 51. Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi
- Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi giam hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết, được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe.
- Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sỹ hoặc bác sỹ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.
- Trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong trại giam được hưởng chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát nhu yếu phẩm và được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh để bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
- Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.
- Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khuphải đề nghị cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
- Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo quy định, có thể tổng hợp các chế độ mà phạm nhân nữ có thai hoặc nuôi con trong trại giam như sau:
- Được bố trí nơi giam hợp lý;
- Được khám thai, được chăm sóc y tế;
- Được giảm thời gian lao động;
- Được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe;
- Được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động;
- Được bố trí thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi;
- Con dưới 36 tháng tuổi của phạm nhân nữ được ở nhà trẻ ngoài khu giam giữ, được chăm sóc và bảo đảm quyền lợi theo quy định của Luật trẻ em;
- Khi con của phạm nhân nữ từ 36 tháng trở lên thì được gửi về cho thân nhân nuôi dưỡng hoặc được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
-
Có thể được hoãn chấp hành án tù giam
Căn cứ điểm b khoản 1, Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù
- Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
- b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
Theo quy định trên, khi bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật mà người bị kết án đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn thi hành án phạt tù. Tuy nhiên cần lưu ý:
- Người bị kết án cần làm đơn và nộp đến chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án;
- Nếu trong thời gian được hoãn thi hành án tù mà người bị kết án lại phạm tội mới thì sẽ không được tiêp tục hoãn chấp hành án.
-
Có thể được tạm đình chỉ hình phạt tù
Căn cứ Điều 68 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 như sau:
Điều 68. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
- Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
- Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.
Theo quy định trên, khi phạm nhân đang trong trại giam mà nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành án tù. Tuy nhiên cần lưu ý, thời gian tạm đình chỉ sẽ không được tính vào thời gian chấp hành án tù.